Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 9-8

* Sự kiện

- Ngày 9-8-1922: trên báo Journal du Peuple (nhật báo Nhân dân) đăng “Thư gửi Khải Định” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là thời điểm vua Khải Định được thực dân Pháp đưa sang Pháp để tham dự Hội chợ quốc tế tổ chức tại Marseille. Với một lối hành văn hài hước nhưng sắc sảo, lá thư của Nguyễn Ái Quốc cảnh báo ông vua bù nhìn: “Hòa lẫn với tiếng sóng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bên ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi”.

- Ngày 9-8-1941: Nguyễn Ái Quốc viết bài Xã luận đăng trên báo Việt Nam Độc lập. Sau khi phân tích: “Tây có hai cách làm cho ta ngu hèn, một là cách bưng mắt..., hai là cách lừa gạt”. Người chỉ rõ: “Tây cốt làm cho ta ngu hèn, Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.

- Ngày 9-8-1949: Giải phóng thị xã Bắc Kạn. Bắc Kạn là thị xã đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi vùng cao ở Việt Bắc. Vùng đất này đã từng là "cái nôi cách mạng" của cả nước. Với những thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 2-10-2000, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn. Trong những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thị xã Bắc Kạn đang tạo bước chuyển mạnh mẽ, tự tin tiến tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2015...

- Ngày 9-8-1955: Bài viết nhan đề “Lực lượng to lớn của công nhân”, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 524. Trong bài, Người biểu dương những thành tích xuất sắc của công nhân, tiêu biểu là công nhân Nhà máy xe lửa Hà Nội, công nhân Mỏ Cẩm Phả, đã khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, tiết kiệm trong quá trình khôi phục nhà máy, xí nghiệp.

- Ngày 9-8-1964: Mở đầu phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên trong cả nước. Sau khi Mỹ cho máy bay và tàu chiến đánh phá miền Bắc (ngày 5-8-1964), ngày 9-8-1964, 26 vạn thanh niên thủ đô Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng, lên án hành động của Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc. Tại hội trường Bộ công nghiệp nặng đã chứng kiến thời khắc lịch sử khi Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội kêu gọi đoàn viên và thanh niên hăng hái đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập, thực hiện “Ba sẵn sàng”:- Sẵn sàng chiến đấu- Sẵn sàng nhập ngũ- Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần đến.Phong trào “Ba sẵn sàng” có sức lay động, lan tỏa, cuốn hút đông đảo đoàn viên và thanh niên khắp mọi miền đất nước. Ở đâu có đoàn viên, thanh niên thì ở đó có tinh thần “Ba sẵn sàng”.

- Ngày 9-8-1964: Ngày mở đường cơ giới Trường Sơn. Vào ngày này cách đây 50 năm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 công binh bắt đầu mở tuyến đường cơ giới đầu tiên của Đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh). Sau khi tuyến đường đầu tiên dài 104 km được hoàn thành, các chiến sĩ Trung đoàn tiếp tục mở nhiều con đường mới với chiều dài hàng nghìn kilômét và trở thành trung đoàn tiến sâu nhất vào chiến trường. Không quản gian khổ, hy sinh, lao động sáng tạo, Trung đoàn còn xây dựng hơn 150 cầu, cống rà phá bom mìn trực tiếp chiến đấu bảo vệ tuyến đường, bắn rơi 38 máy bay của Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên địch…Trung đoàn 98 là đơn vị cấp trung đoàn đầu tiên trên chiến trường Trường Sơn được vinh dự ghi danh vào lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và được tôn vinh “Đơn vị thần tốc mở đường”.

- Từ ngày 9 đến 16-8-1999: Tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VIII). Hội nghị đã thông qua Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc Ngân sách Nhà nước” và Nghị quyết “Về việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”.

* Nhân vật

- Ngày 9-8-1997: Ngày mất của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, quê ở Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là người đã có công lớn trong việc xây dựng ngành quân giới, được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng. Ông nguyên là Thiếu tướng, nhà khoa học tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu quân sự. Ở mỗi chặng đường công tác, ông đều được ghi nhận bằng những huân chương và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây).Tên ông được đặt cho một con đường tại Thủ đô Hà Nội, cho một con đường và một ngôi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN