Chuyện "ngày xưa"

(NTO) Ông bà ta ngày xưa có tục “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” để ôn lại những chuyện đã qua, nhắc nhở con cháu và chính mình cái được, chưa được, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Đó là ngày xưa, còn nay “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” thật là khó. Xin góp thêm chuyện “ngày xưa” xảy ra trong cuộc sống thường ngày để mọi người cùng xem xét, trải nghiệm.

1. Thời bao cấp sau giải phóng, cô bạn học cấp 3 cùng lớp tôi có cha là sĩ quan cao cấp quân giải phóng (oai lắm). Tôi vốn sinh ra trong Nam, cha mẹ buôn bán tại chợ Phan Rang, có bạn gái như vậy cũng thơm lây. Có điều cô bạn tôi tiếng “cha sĩ quan cao cấp” nhưng ăn mặc thì “thô”, chỉ có áo sơ mi trắng, quần tây xanh. Nhà ở cách trường học gần 4 km nhưng bữa đi bộ đến trường, bữa đi nhờ xe bạn. Hỏi thăm, tôi được biết: Quần áo do cha quy định, ông bảo đất nước còn khó khăn, nhà mình cũng vậy và ăn mặc cũng phải phù hợp hoàn cảnh. Gia đình có hai xe đạp, cụ sẵn sàng cho bạn bè mượn nhưng con gái đi học bằng chân, bởi theo cụ phải “rèn luyện”, “gian khổ” mới nên người. Vì thế nên bọn học trò chúng tôi lúc đó gọi cụ là “khốt-ta-bít” (người cổ lỗ sĩ). Bây giờ nghĩ lại thấy cách nghĩ, cách dạy con của bố bạn tôi lúc đó cũng hay nhưng cứng nhắc. Có lẽ bởi chiến tranh đã sản sinh ra những con người như cụ và chính vì vậy họ đã góp phần làm nên chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ.

2. Lứa chúng tôi sinh ra trong thời điểm Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chúng tôi học phổ thông dưới hầm trú ẩn, giao thông hào, hành trang đến trường ngoài sách vở là mũ rơm (nón), lá chắn rơm che hết cả người để chống bom bi, mảnh bom Mỹ. Cơm ăn hàng ngày chủ yếu là củ chuối độn gạo, thức ăn có rau, nước mắm…Chỉ vào dịp Tết Nguyên đán mới được ăn cơm trắng, thịt heo kho đông. Khó khăn là vậy nhưng nhà nào cũng có hũ gạo tiết kiệm vì “Miền Nam thân yêu”, hàng tuần có người đến lấy, nhà nào hũ gạo tiết kiệm nhiều được nêu gương, gia đình tự hào lắm. Giờ đây, nhắc lại chuyện ngày xưa để tụi nhỏ biết quá khứ phấn đấu vươn lên thì chúng nói: Mẹ cứ điệp khúc “ngày xưa” nghe chán lắm, nào là mẹ nói cứ như “chuyện cổ tích”, nào làm gì có chuyện “cơm độn củ chuối”…bởi vì mẹ chúng chẳng có gì chứng minh “ngày xưa” là có thực, nhưng được cái chúng rất yêu quý, nghe lời mẹ.

3. Trong những ngày kỷ niệm chiến thắng hào hùng 30-4 và nhất là dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các phương tiện truyền thông liên tiếp truyền tải những hình ảnh, câu chuyện có thật về lịch sử anh hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bỗng chợt tôi ước, giá như mỗi gia đình, địa phương, cơ quan… đều lưu giữ những hình ảnh, câu chuyện “ngày xưa” để làm truyền thống, để giáo dục con cháu mai sau thì chuyện “ngày xưa” sẽ thật sự hấp dẫn và trở thành đề tài để lớp trẻ tìm hiểu, tranh luận, làm hành trang bước vào đời.