Chuyện " ghen ăn tức ở"

(NTO) Không biết từ bao giờ, dân gian Việt có câu tục ngữ “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa” để nói lên tốc độ lan truyền và mức độ ảnh hưởng tốt, xấu của những tin đồn thổi trong xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì tốc độ lan truyền của tin đồn nhanh đến mức chóng mặt.

Vậy nên, chuyện “ghen ăn tức ở” giờ đây trở thành chuyện liên lục địa và tác hại của nó nhanh như tốc độ lan truyền vậy. Có người cho rằng “ghen ăn tức ở” là thói xấu, nhưng người khác lại cho rằng đó là văn hoá “ghen ăn tức ở”. Có lẽ đó là cách nhìn nhận và giải quyết hậu quả chuyện “ghen ăn tức ở” ở mỗi người. Câu chuyện kể sau đây để mỗi chúng ta suy ngẫm về thói “ghen ăn tức ở” và việc giải quyết nó trong cuộc sống.

Câu chuyện thứ nhất: Trong khu phố tôi có gia đình thuộc diện hộ nghèo. Kể từ lúc cậu con trai thứ lấy cô vợ biết buôn bán làm ăn, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn. Họ làm đại lý bán thức ăn gia súc, gia cầm cho một hãng lớn. Ngày ngày anh chồng đi thu tiền và tìm mối bán hàng, cô vợ ở nhà lo điều hành công việc. Họ đã có hai con, một gái, một trai. Cô vợ đã gần ba lăm nhưng nhờ biết chăm chút, giữ gìn nhan sắc nên trẻ xinh hơn tuổi nhiều ngược lại ông chồng lo chạy tìm mối bán hàng, phơi nắng, gió hàng ngày làm cho tuổi mới bốn mươi mà tóc trắng bạc phân nửa. Nhờ giỏi làm ăn lại tiết kiệm nên mới chỉ chục năm mà họ đã sửa được nhà ở, mua sắm trang thiết bị đắt tiền và mua được một lô đất hàng trăm triệu đồng. Chuyện bà vợ giỏi giang, xinh đẹp được một số chị “nhà báo” (không chịu đi làm ở nhà ăn báo chồng con) trong khu phố lấy làm chướng tai gai mắt. Bề ngoài, họ vẫn ra vẻ thân tình nhưng nếu có cơ hội là “đơm chuyện” gia đình nọ. Vì làm ăn nên đôi khi cô vợ phải đi tiếp khách hoặc gặp gỡ đối tác. Những lần như vậy là họ gặp anh chồng góp chuyện: “Này chú giỏi thiệt, chăm sóc thế nào mà vợ chú ngày càng xinh đẹp ra chẳng bù cho chị dung nhan chuyển qua “mùa hạ” ông chồng không thèm ngó”; “À, hôm qua vợ chú đi với tay nào trông như ông giám đốc…”; “Sáng nay, chị thấy bà xã chú vào hàng phở với anh nào trông đẹp đôi lắm, ngồi ăn lại còn gắp bỏ sang bát nhau rất “tình củm”.”

Thế rồi, mươi ngày sau chỉ với cách nói bâng quơ nửa đùa nửa thật làm cho vợ chồng họ nổ ra những trận lôi đình, bát đĩa vỡ loảng xoảng...

Câu chuyện thứ hai: Cô hơn 30 tuổi, có bằng thạc sĩ kinh tế chính quy loại giỏi, đạo đức tốt, quan hệ với mọi người hoà đồng, dáng cao, khuôn mặt ưa nhìn. Do phấn đấu rèn luyện và làm việc hiệu quả, giám đốc điều động về làm chuyên viên phòng kế hoạch-tài chính của đơn vị, dự kiến sau đó ít tháng bổ nhiệm làm phó phòng. Chị trưởng phòng 50 tuổi, vốn là bạn thân của ông giám đốc cũ nay đã chuyển công tác. Ngày mới về, chị trưởng phòng xưng hô với cô “chị chị, em em” ngọt như mía lùi. Cô cứ tưởng mình thật may mắn bởi có chị trưởng phòng “vui vẻ, thân tình và dịu dàng”. Trong một lần làm việc, anh chàng phòng bên qua liên hệ công tác, thấy cô anh chào: “Chào người đẹp”. Khách ra về, chị trưởng phòng nói cộc lốc: Phòng này chỉ có một người đẹp thôi à…! Nhưng quả thực cô trẻ hơn, đẹp hơn nên đám mày râu trong cơ quan đều gọi cô là người đẹp. Thế là cái sự “vui vẻ, thân tình và dịu dàng” ngày nào của trưởng phòng biến mất, thay vào đó là sự tức tối ra mặt. Trưởng phòng giao cô toàn việc khó, công khai nhận xét năng lực yếu kém trước mọi người (mặc dù hoàn thành tốt), vận động anh chị em trong phòng, cơ quan không bỏ phiếu tín nhiệm phó phòng cho cô. Nhiều lúc cô định báo cáo giám đốc xin chuyển công tác nhưng nghĩ lại mình được lãnh đạo tin tưởng, cô tự nhủ phải cố gắng vượt qua, chứng minh cho mọi người thấy khả năng làm việc của bản thân. Rèn luyện tính nhẫn, luôn khiêm tốn học hỏi, hoà đồng với đồng nghiệp, hiệu quả công tác cao. Thế rồi chuyện gì đến sẽ đến, sau một thời gian phấn đấu, chị trưởng phòng nọ không ngăn nổi tập thể phòng và cơ quan thống nhất cao tín nhiệm giới thiệu cô vào chức danh phó phòng. Nhờ kiên trì rèn luyện phấn đấu, giờ đây cô không chỉ đảm nhiệm tốt chức trách phó phòng mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ trưởng phòng, cô được đồng nghiệp yêu mến, cấp trên tin tưởng.

Chuyện “ghen ăn tức ở” diễn ra hàng ngày quanh ta dưới mọi lúc, mọi nơi lúc công khai, bí mật, nửa thật, nửa hư…làm ảnh hưởng đến tình cảm hạnh phúc gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị và đôi khi ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Hành xử theo kiểu “ghen ăn tức ở” còn làm hại chính bản thân họ và hậu quả phải gánh chịu không chỉ là trách nhiệm vật chất mà có thể chịu trách nhiệm hình sự. Người nước ngoài gọi “ghen ăn tức ở” bằng cụm từ “GATO” và được nhắc ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, là thói xấu cần được loại bỏ. Chúng ta không bắt người khác từ bỏ “ghen ăn tức ở” với mình nhưng cần làm cho mọi người nhìn nhận, hiểu về bản thân để “ghen ăn tức ở” không còn đất "dụng võ".

Thiết nghĩ, để bằng chị bằng em thì mỗi cá nhân cần lấy gương những người thành đạt quanh ta làm mục tiêu phấn đấu, có như vậy thói “ghen ăn tức ở” trong ta sẽ tự nhiên biến mất và chúng ta đã thiết thực góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.