Xin đừng "khôn nhà dại chợ"

(NTO) Người xưa có thành ngữ “khôn nhà dại chợ” để nhắc nhở nhau, dạy dỗ con cháu và cho chính mình trong cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, cuộc sống hối hả hiện nay có lúc chính ta cũng “khôn nhà dại chợ” mà không hay biết. Đọc những câu chuyện dưới đây biết đâu có bóng dáng bản thân, bạn bè, gia đình mình trong đó.

Chuyện gia đình

Anh bạn tôi có cô em gái xinh đẹp, dịu dàng, giỏi giang, hai vợ chồng họ cùng làm cơ quan nhà nước. Ngày mới lấy nhau, gia đình, bạn bè đều khen ngợi gọi họ là “cặp đôi hoàn hảo”. Hiện giờ anh chị có hai con, cậu đầu học lớp 12 chuyên Vật lý, con gái học lớp 10 vừa đoạt Huy chương Đồng Olympic Hoá học. Thật là một gia đình lý tưởng. Vậy mà, sáng Chủ nhật vừa rồi anh bạn tôi than phiền, vợ chồng cô em gái đang trong thời kỳ “hai con dê qua cầu”. Hỏi chuyện, anh cho biết: Cũng chẳng có chuyện gì lớn, chỉ tại vợ chồng nó chẳng đứa nào cũng “khôn” cả. Đứa em gái giờ là trưởng phòng, công việc nhiều, áp lực căng thẳng về nhà nói chuyện với chồng toàn “nhát gừng”, đứa em rể thì trả miếng vợ “dịu dàng em để cơ quan”, nếu em có ý định đầu tư “trong nước”, “ngoài nước” thì cứ nói anh, OK ngay!” Thế rồi giận chồng, vợ đưa con về nhà mẹ ở, chồng thì coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, hết giờ làm đi nhậu. Mình chỉ biết chuyện khi đứa em rể thông báo vợ con nó đang ở nhà bà ngoại. Rồi anh than thở: Chúng nó đâu còn nhỏ, ở cơ quan đều là cán bộ dự nguồn quy hoạch, vậy mà “khôn nhà dại chợ”.

Chuyện cơ quan

Ở cơ quan nọ có anh thủ trưởng khá nghiêm khắc, làm việc coi chất lượng, hiệu quả công tác là hàng đầu nhưng ngoài giờ làm việc lại khá thoải mái như anh em, bạn bè vậy. Có lần, nhân kỷ niệm ngày chiến thắng, thống nhất đất nước 30-4, anh chỉ đạo phòng hành chính, công đoàn cơ quan chuẩn bị quà, hẹn 16 giờ đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, cơ quan nhận phụng dưỡng. Vì mải mê công việc cơ quan, chợt nhớ nhìn đồng hồ đã 18 giờ, gọi điện thoại hỏi mới biết lãnh đạo công đoàn, phòng hành chính đã về nhà. Thế là thất hứa, anh tự nhủ sáng mai ghé thăm và xin lỗi mẹ thông cảm. Vài ngày sau đó, có đoàn cán bộ tỉnh bạn đến nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ. Cuối ngày mời cơm khách, để tỏ lòng hiếu khách anh cầm ly bia đến cụng từng người một. Thấy vậy, để tỏ lòng kính trọng thủ trưởng, lãnh đạo công đoàn, phòng hành chính thay nhau chúc anh một trăm phần trăm…Hậu quả là ngày hôm sau anh thẫn thờ, mệt mỏi như người vô hồn.

Chuyện xã hội

Thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo (năm 1997-1998), móng trâu (2002-2003) với giá cao để rồi nông dân phía Bắc bị đại dịch chuột hoành hành, trâu bò chết hàng loạt ảnh hưởng nặng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân. Mấy năm vừa qua, thương lái Trung Quốc tiếp tục thu mua đỉa, ốc bươu vàng với giá cao. Thấy lợi nhiều hộ dân ở Tây Ninh, Hóc Môn…tổ chức thu gom, nuôi đỉa, nuôi ốc bươu vàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Phong trào thu gom, nuôi đỉa, ốc bươu vàng đang phát triển thì đột ngột họ dừng mua mà đỉa, ốc bươu vàng có tốc độ sinh sản rất nhanh, hậu quả của nó với môi trường và sản xuất nông nghiệp như thế nào có lẽ ai cũng rõ. Rồi chuyện thương lái Trung Quốc mua chè bẩn ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang. Nhà nhà, người người thi nhau làm chè bẩn vì chi phí thấp, lợi nhuận cao. Chỉ khi tại Đại hội Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc thông báo cho các nước biết chúng ta sản xuất chè bẩn và 6 tháng sau hàng loạt doanh nghiệp ngành chè phá sản thì mọi người mới biết. Gần đây nhất là chuyện thương lái Trung Quốc nâng giá mua dưa hấu để dưa ùn ùn lên biên giới phía Bắc rồi họ lại đột ngột hạ giá làm nông dân thiệt hại, hay việc họ nâng giá thu mua thanh long đỏ năm 2014 (có lúc lên đến 70.000 đồng/kg) rồi đột ngột không mua, giá thanh long đỏ tại vườn ở Tiền Giang vào tháng 5-2014 chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg. Không phải các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố không cảnh báo mà chỉ vì ham lợi trước mắt mà nhiều người dân không những tự đưa cổ vào tròng của thương lái Trung Quốc mà còn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của hàng triệu nông dân vốn cuộc sống đã khó khăn nay lại khó hơn. Nhân chuyện trên, xin nói thêm trong những ngày gần đây, trả lời cử tri Phó Thủ tướng-kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ông cho biết Đảng và Nhà nước ta không hề bị động mà đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu để có những biện pháp phù hợp, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Từ những chuyện trên, vì hạnh phúc gia đình, sự nghiệp xây dựng cơ quan đơn vị, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xin mỗi ai đó hãy luôn nhắc nhở nhau đừng “khôn nhà dại chợ”.