Tùy bút:

Biển của người

Làng tôi vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Tế Hanh

1. Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng bé xíu nằm mom mem bên ngã ba nơi con sông Dinh ùa mình ra biển lớn. Ở đó, tự bao đời người làng quê tôi làm nghề cày xới, trồng lúa trồng rau. Ông bà, cha mẹ tôi cũng vậy. Dù vậy nhưng hơi biển mặn mòi và nồng nàn mùi cá tôm theo những mùa gió nồm từ làng biển Đông Hải vẫn thổi lên bảng lảng khắp làng tôi. Hơi thở cuộc sống ấy giản dị lắm, thân thiện lắm mỗi khi bạn gặp trên mỗi gương mặt, nụ cười và cả giọng nói to khỏe âm vang vì quen “đầu sóng ngọn gió” của những ngư dân “làm nghề chài lưới”. Một nghề bình thường như bao nhiêu nghề khác nhưng qua ngòi bút Tế Hanh sao nghe chân tình và tha thiết quá đỗi. Hồn hậu như tâm hồn nhà thơ quê Quảng Ngãi. Và biển quê nhà trở nên đáng yêu hơn và thấm đẫm hồn người trong tôi tử độ đọc được những dòng thơ ấy.

Ảnh minh họa.

2. Biển. Với tôi không chỉ là sự cảm nhận của người ngoài cuộc, người làng bên. Những ngày biển động, đêm nằm trên chỏng tre với bà ngoại vẫn nghe tiếng sóng ối ầm ùm dội về từ họng biển. Mùa biển động, ghe thuyền nằm bến, không có cá tươi nhà quê, nhà biển cùng ăn cá khô, nắm nêm, mắm ruốc, mắm ruột,…Có những bữa cơm trong những chiều mưa gió rả rích chỉ vài con cá khô hay chén mắm nêm chấm rau luộc mà vẫn ngon thăm thẳm. Lúc đó những đứa trẻ hồn nhiên như chúng tôi làm sao mà thấy được sự hiện diện của biển ngay trong đời sống của gia đình mình, bản thân mình!

Và biển. Tuổi hoa niên đẹp đẽ của cậu học trò đã từng gửi lại con đường cát trắng chạy dọc bờ biển luôn reo vui bởi bản hòa âm bất tận của rừng dương trong gió. Những ngày tháng cùng cô bạn học trò vượt đường xa đến ngôi trường trung học bên Đầm Nại thơ mộng. Đã gần bốn mươi năm, con đường xưa giờ đã thành con đường lớn hai làn xe khang trang vào bậc nhất của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Mỗi lần có dịp về qua chốn cũ, đường xưa lòng cứ rộn ràng tấu khúc hoa niên thời biển xanh áo trắng.

3. Và bây giờ. Khi hơn một nửa cuộc đời trôi đi cùng với rất nhiều buồn vui, dâu bể. Mỗi khi đứng trước biển người ta mới thấm cái lẽ đời với trăm nẻo mưu sinh. Hơn ai hết, ngư dân là những người hiểu thấu lòng biển cả như lòng mẹ từ tâm và độ lượng. Biển cho ngọn gió mát lành cùng vòng tay và lời ru của mẹ đưa ta vào giấc ngủ. Biển luôn thử thách lòng can đảm và nghị lực phi thường của cha để rồi ban tặng cho những con người dám nghĩ, dám làm những sản vật biển khơi nuôi ấm no cuộc sống. Biển khơi là khát vọng môn đời như mời gọi về một tương lai tươi sáng và bất tận.

Biển có âm ba riêng của nó mà chỉ có những tâm hồn thuộc về biển khơi mới hòa điệu và mê đắm trải lòng. Và dường như trong tâm thức người Việt ta, biển đã là đời sống. Biển là bạn, là người yêu, là vợ, là chồng. Trên dải đất cong cong hình chữ S, người Việt ta đã sinh ra và lớn lên bên tiếng sóng của một trời mây nước bao la. Ở đó họ tạo dựng nên xóm làng, xây nên từng tổ ấm. Vui vì được mùa tôm cá. Buồn vì giông bão thiên tai. Biển không chỉ cho con người đời sống, biển còn cho con người tâm hồn. Đó là lòng vị tha, sự đoàn kết, sẻ chia và cả khí phách can trường vượt qua gió to, sóng dữ.

4. Những ngày này, cả nước sục sôi trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc khi ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển của nước ta tôi lại nhớ về những câu thơ rất đỗi hiền lành và dung dị của nhà thơ Tế Hanh viết về đời sống dân chài :

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang

Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng

Rướn thân thẳng bao la thâu góp gió

Ôi chao! Biển của người. Người của biển. Tự bao đời người và biển gắn bó thủy chung. Biển của ta là Tổ quốc. Thuyền giong buồm ra khơi mang theo một mảnh hồn làng. Hồn làng là quê hương xứ sở, là đời sống, là bản sắc văn hóa Việt, là tương lai của nhiều thế hệ mai sau. Người Việt ta yêu biển, muốn sống bình yên với biển nhưng người Việt ta quyết không để cho một ai đó cướp mất biển của mình.