Bắc Sơn: Xây dựng và nhân rộng điển hình Gia đình văn hóa

(NTO) Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) luôn chú trọng phát triển, nhân rộng những điển hình Gia đình văn hóa (GĐVH), góp phần tích cực trong phong trào Xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Đến thôn Bỉnh Nghĩa, hỏi thăm gia đình anh Mang Hữu Hùng, hầu như ai cũng biết bởi gia đình anh thuộc diện “nổi tiếng” tại địa phương. Thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, gia đình anh hăng hái lao động sản xuất, chăn nuôi 800 con cừu, kinh doanh xăng dầu, tạo công ăn việc làm cho 13 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng, đảm đảm cuộc sống và nuôi 5 con ăn học.

Anh Mang Hữu Hùng hăng hái lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa.

Không những làm kinh tế giỏi, trong cuộc sống hằng ngày anh Hùng còn tận tình hướng dẫn bà con cách nuôi cừu hiệu quả; gương mẫu chấp hành, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Nhờ vậy, 5 năm qua, gia đình anh được công nhận là GĐVH, Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, được UBND huyện Thuận Bắc chọn làm đại biểu dự lễ tuyên dương GĐVH tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013.

Cũng như gia đình anh Hùng, gia đình anh Mang Thanh Hồng (thôn Xóm Bằng) là một trong những GĐVH tiêu biểu tại địa phương. Là nông dân, anh Hồng cùng vợ hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách DS-KHHGĐ. Với suy nghĩ “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”, vợ chồng anh Hồng chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Hiện người con đầu của anh đã tốt nghiệp cao đẳng và có việc làm ổn định, người con thứ 2 đang học cấp 3. Gia đình anh Hồng sống chan hòa, nhiệt tình với xóm giềng nên được mọi người hết mực yêu mến.

Ngoài gia đình anh Hùng, anh Hồng, hiện xã Bắc Sơn còn 1.178/1.465 hộ đăng ký đạt danh hiệu GĐVH (chiếm 80,4%), tăng 3,11% so với năm 2009. Chị Lượng Thị Gọn, cán bộ Văn hóa-Thông tin xã Bắc Sơn, cho biết: Như nhiều địa phương khác, để xét danh hiệu GĐVH, từ năm 2012 đến nay, địa phương dùng Hướng dẫn số 193-HD-MTTQ-VHTTDL về “Trình tự, thủ tục hồ sơ công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa” và “Khu phố văn hóa” ngày 5-2-2012 của Ủy ban MTTQVN tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hằng năm, để việc đánh giá, xét duyệt diễn ra công bằng, bản hướng dẫn đăng ký được phát xuống từng hộ dân để các hộ xem xét, tự chấm điểm, sau đó chuyển về Ban vận động thôn, xã chấm lại. Chiếu theo Hướng dẫn này, hộ đạt danh hiệu GĐVH phải đảm bảo đạt 80/100 điểm và không có tiêu chí nào trong 11 tiêu chí bị “điểm liệt”.

Chị Lượng Thị Gọn cho biết thêm, nhờ việc phát triển, nhân rộng điển hình GĐVH, đến nay 100% trẻ em trong xã được đến trường, các gia đình hòa thuận, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân... Tuy vậy, “điểm trừ” lớn nhất mà các gia đình “vướng” phải là vấn đề vệ sinh môi trường. Nhằm hạn chế khuyết điểm này, năm 2013 địa phương phát động triển khai mô hình thu gom rác thải tại 2 thôn Bỉnh Nghĩa, Láng Me; năm 2014 tiếp tục vận động 40% gia đình xây dựng nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; đưa đàn gia súc ra khỏi khu dân cư… Bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, hiện các mô hình được triển khai nghiêm túc, bước đầu mang lại những kết quả thiết thực.