Thời tiết đang dần thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp

(NTO) Những cơn mưa vừa qua báo hiệu kết thúc đợt nắng nóng kéo dài. Thời tiết đang mát dần, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Vụ hè - thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng 27.788 ha; trong đó, lúa 12.269 ha, giảm 3.734 ha so với vụ đông - xuân. Nguyên nhân diện tích lúa giảm là do hạn hán, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chỉ gieo trồng ở những khu vực chủ động nước. Theo khung thời vụ, đối với cây lúa kết thúc gieo sạ vào ngày 10-6, tuy nhiên đến nay chỉ có 8.000 ha hưởng lợi nước ở các đập Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm đồng loạt xuống giống đúng theo lịch thời vụ, diện tích còn lại phụ thuộc nước ở 20 hồ, hiện một số nơi như ở Lợi Hải, Công Hải…vẫn đang tiếp tục xuống giống.

Tranh thủ sau cơn mưa đầu mùa chị Tạ Thị Dũng ở thôn Hiếu Lễ,
xã Phước Hậu ( Ninh Phước) ra đồng chăm sóc lúa hè - thu . Ảnh: Hồng Lâm

Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Tình trạng xuống giống lúa thiếu đồng nhất, kéo dài đến nay chưa kết thúc là do nông dân vừa làm vừa “trông ngóng” thời tiết. Thông thường mọi năm trong khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 có lụt tiểu mãn, nhưng năm nay tình hình ngược lại. Từ đầu tháng 12 đến nay chỉ có vài đợt mưa rào, lượng mưa không đáng kể, khu vực đồng bằng đạt 40 - 60mm; khu vực miền núi 70 - 100mm, thấp hơn trung bình năm ngoái 130 - 150mm. Đáng chú ý, trong tháng 2, tháng 5 và tháng 6 có 36 ngày nắng nóng. Nắng hạn làm cho mực nước ở các hồ xuống thấp, tổng dung tích 20 hồ chứa trên toàn tỉnh hiện tại còn khoảng 50 triệu/192 triệu m3, giảm 8,3 triệu m3 so với tháng trước. Khi nông dân đang lo lắng trước hạn hán kéo dài, thì những cơn mưa vào cuối tháng 6 vừa qua tuy chưa đủ lớn để bổ sung nước cho các hồ, đập, nhưng đã làm ẩm đất, giúp cho cây trồng phát triển.

Tranh thủ thời tiết đang mát dần, những ngày này bà con trên toàn tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng vụ hè - thu. Tại huyện Ninh Phước một số diện tích trà lúa hè - thu sớm được 20 ngày tuổi đang phát triển tốt. Nhờ chủ động nước tưới, nên vụ này huyện đẩy mạnh nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” lên 2.000 ha, tăng 851 ha so với vụ đông - xuân, chiếm 40% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn huyện. Để thực hiện mô hình có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, trong đó chú ý điều tiết nước hợp lý, ở mức vừa phải. Chị Tạ Thị Dũng ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, cho biết: Vụ hè - thu này tôi làm 5 sào lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, xuống giống vào cuối tháng 5, hiện lúa đã bón phân đợt 1. Theo kinh nghiệm của nhà nông, thời tiết mưa nắng đan xen, nên lúa hấp thụ phân bón kém hiệu quả, vì vậy để tránh thất thoát, tôi chia ra bón thành nhiều đợt, tránh bón thừa phân đạm.

Ninh Phước là vùng trọng điểm lúa của cả tỉnh, huyện chú trọng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đầu vụ lúa hè - thu, nông dân thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống xác nhận nên ngăn ngừa được mầm sâu bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay dễ phát sinh sâu bệnh, vì vậy bà con không được chủ quan mà phải thường xuyên thăm đồng. Nếu phát hiện sâu bệnh xuất hiện với mật độ thấp không phun thuốc quá liều tránh dư thừa thuốc bảo vệ thực vật làm giảm chất lượng hạt gạo.

So với Ninh Phước, thì sản xuất vụ hè - thu ở các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái khó khăn hơn nhiều do thiếu nước nghiêm trọng. Riêng ở Thuận Nam, huyện chủ trương ngưng sản xuất lúa vụ hè - thu để tập trung cho các loại cây trồng sử dụng ít nước như đậu, bắp. Do sản xuất trong vụ này phụ thuộc nhiều vào nước trời, nên những cơn mưa “bất chợt” vừa qua được bà con ví như “cơn mưa vàng” giải khát cho những vùng khô hạn. Mưa tuy nhỏ, nhưng nước đã thấm đất để bà con ra đồng, lên rẫy trỉa hạt. Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh (Thuận Nam), cho biết: Tranh thủ lúc trời có mưa tôi huy động cả gia đình ra ruộng trỉa bắp, nếu không nhanh tay vài hôm nữa đất khô là bỏ luôn mùa vụ.

So với những tháng trước, thì thời tiết hiện nay có chuyển biến tích cực hơn, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa có lụt tiểu mãn, nhưng ở Lâm Đồng đã vào mùa mưa, nước hồ Đương Dương lên cao, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim hoạt động hết công suất, xả nước bổ sung cho các hồ, đập, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất cho những khu vực nằm trong vùng hưởng lợi.