Một chiều Sông Dinh

1. Một người bạn là khách lữ hành xuyên Việt. Trên dặm dài đất nước anh muốn lưu lại chút kỷ niệm bằng hình ảnh. Điều đó chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên mỗi nơi anh chỉ chọn một tấm ảnh duy nhất, mà theo anh là “độc nhất” để khỏi “đụng hàng”.

Ghé Phan Rang. Sau vài lần vác máy ảnh lang thang đây đó và theo gợi ý của bạn bè anh vẫn chưa chấm được kiểu nào. Tấm chụp Tháp Chăm anh bảo “gặp” nhiều quá. Tấm chụp biển Bình Sơn – Ninh Chử anh bảo na ná của rất nhiều biển anh đã đi qua. Với tấm vườn hoa trái Tân Sơn dưới chân đèo Ngoạn Mục anh có vẻ tâm đắc nhưng vẫn muốn có tấm nào đó “độc” hơn.

Cầu Đạo Long bắc qua hạ nguồn Sông Dinh. Ảnh: Sơn Ngọc

2. Mặc anh. Tôi không tư vấn thêm. Cứ để anh tự nhìn, tự cảm và tìm thấy cái đẹp của quê hương Ninh Thuận. Và thật ngạc nhiên, anh đã tìm ra nó. Một vẻ đẹp giản dị và gần gũi. Ngay bên ta, không phải tốn công lặn lội, không phải bài trí, sắp bày cũng không cần nhiều đến hiệu ứng công nghệ nhiếp ảnh hiện đại. Một vẻ đẹp thiên nhiên như nó vốn có.

Bạn mang khoe bức ảnh chụp sông Dinh buổi chiều, lúc mặt sông lấp loáng ánh mặt trời, lúc nước hòa vào mây đang ngả màu lam tím. Bạn đặt tên cho bức ảnh là “Một chiều sông Dinh”. Bạn vui lắm, đến độ hồn nhiên như trẻ nhỏ và hí hửng bảo rằng bạn đã có một Phan Rang quá “độc” và không “đụng hàng” với ai.

Đó là bức ảnh bạn chụp khúc cuối sông Dinh, nơi một chặp nữa thôi, sông sẽ ùa mình vào biển. Bờ Bắc bên này là phường Tấn Tài thuộc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, bờ Nam bên kia là xã An Hải thuộc huyện Ninh Phước. Một bên phố nhà soi bóng xuống dòng xanh. Vươn cao lên nền trời xanh là tháp chuông nhà thờ, những tàn cây cổ thụ, những con phố trầm lắng, hiền hòa và bình yên. Một bên là ruộng vườn được bao bọc bởi những bờ tre dịu dàng mà vững chãi. Lúa ấy, hoa trái ấy, như đằm thắm hơn trong ánh chiều nhưng không thể giấu được vẻ kiên cường và sự cần mẫn của bàn tay con người cùng độ phì nhiêu từ những hạt phù sa mà con sông Dinh mỗi năm bù đắp.

Tôi giải thích với bạn vì sao nói là sông bù đắp. Sông cũng như người, mỗi năm sông có ít nhất một lần thịnh nộ. Những cơn giận vô cớ và càng ngày càng bất thường của bà mẹ thiên nhiên làm cho người dân quê tôi nhiều phen khốn đốn. Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm chống chọi với lũ lụt, vậy mà con người vẫn cứ phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Sông hiểu lỗi lầm của mình nên mang phù sa về bồi đắp nên cồn nên bãi, trả cho ruộng vườn lớp lớp phì nhiêu.