Nhớ những ngày tác nghiệp ở Trường Sa

(NTO) Vào dịp năm mới, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều tổ chức đoàn công tác ra thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Cùng đi với đoàn bao giờ cũng có đội ngũ phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước. Kể ra, mỗi chuyến đi như vậy phải có đến hơn 60 phóng viên, trong số đó có rất ít phóng viên nữ. Với cảm xúc bỡ ngỡ xen lẫn niềm vinh dự, nhiều phóng viên có chung suy nghĩ: Qua nhiều kênh thông tin chúng tôi thấy rằng cuộc sống của bộ đội ngoài đó dù gian khổ, nhưng các anh vẫn vững vàng bám đảo. Chính vì thế, dẫu biết hành trình đi biển là vất vả, chúng tôi vẫn quyết tâm được một lần đến thăm quân và dân nơi đây.

Tôi nhớ chuyến công tác ở Trường Sa của mình những ngày đầu năm mới 2012… Hành trang của tôi ngoài tư trang và thiết bị tác nghiệp còn có món quà tinh thần ấm áp tình đất liền- đó là những số báo thường kỳ và Đặc san Xuân của cơ quan tôi chuyển tặng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thế mới thấm thía câu từ của cánh phóng viên mình “Hải trình Trường Sa- những chuyến đi vẹn nghĩa nặng tình”.

 
Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Trường Sa. Ảnh: N.Trung

Vượt 2 ngày 2 đêm trên những con sóng dữ của mùa bão biển, hành trình của con tàu mang số hiệu HQ-996 của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng đưa chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu, đến với những người con ưu tú , ngày đêm vững tay súng canh giữ vùng trởi biển thiêng liêng của Tổ quốc. Lần đó, vì sóng to gió lớn nên dù đảo Song Tử Tây trước mặt mà cả đoàn người phải ngồi tàu đợi trời yên. Trong khi một số phóng viên “sốt ruột” vì đã tới nơi mà vẫn chưa cập đảo thì với nhiều anh, chị khác thì khi tàu dừng là lúc họ “hồi sóng”, lấy lại sức để tiếp bờ an toàn, sẵn sàng máy móc tác nghiệp ngay để có được cảnh quay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ra cầu cảng mừng người đất liền.

Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là lễ thượng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền dân tộc được diễn ra ở tất cả các điểm đảo, dù là đảo nổi rộng lớn hay đảo chìm chỉ vài trăm mét vuông. Chứng kiến lá cờ Tổ quốc sao vàng tung bay ở cột chủ quyền, một niềm xúc động xen lẫn niềm kiêu hãnh của một công dân đứng trên bờ cõi của quê hương. Đồng thời, tự hào khi thấy bộ đội và nhân dân ta đã kiên cường xây dựng biển, đảo ngày càng phát triển, đẹp giàu.

Chuyến công tác cuối năm của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân luôn là những chuyến tàu đặc biệt, bởi đó là dịp cuối năm, chuẩn bị vật chất để các đảo đón Tết thêm sum vầy. Thế nên ngoài tình hình cuộc sống, chiến đấu, xây dựng phát triển kinh tế trên đảo, đội ngũ phóng viên có thêm nhiều chủ đề Xuân ở Trường Sa để thỏa sức tác nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện thời gian chật vật, tiếp cận đảo từ 1-2 ngày nhưng thời gian lưu lại trên đảo thì chỉ 1 ngày đêm đối với đảo nổi và nửa ngày ở đảo chìm. Có điểm đảo không có cầu cảng, sóng ngầm nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho cả đoàn công tác, chỉ huy Vùng 4 chỉ cho 1/3 quân số phóng viên vào đảo. Khi ấy, mọi người trong đoàn phóng viên phải “chọn mặt gửi vàng” để gửi thông tin cần hỏi, gửi máy ảnh để có hình… Lúc ấy, không còn cảnh “ thông tin, hình ảnh độc quyền” như tác nghiệp ở đất liền.

Tôi nhớ như in một lần trên xuồng CQ tiếp cận đảo chìm Đá Lớn. Lần ấy sóng to lắm, chỉ huy Vùng 4 kiên quyết không cho phóng viên di chuyển từ tàu lớn theo xuồng CQ vào đảo vì quá nguy hiểm. Nhưng với sự nằng nặc của các anh em cũng làm xiêu lòng vị chỉ huy và chừng mười phóng viên được phép vào thăm đảo. Nhìn từ tàu HQ-996, đảo Đá Lớn gần lắm nhưng ngồi xuồng CQ đi vòng vòng tìm đường cập đảo phải mất gần 2 giờ đồng hồ. Xuồng gần đến bến cập thì chẳng may mắc cạn, 2 thủy thủ phải thả trôi xuồng, dùng sức đẩy xuồng nhích từng nhích một qua bãi cạn. Chứng kiến cảnh các anh cắn răng chịu đá mồ côi đâm vào chân, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều phóng viên đòi xuống bơi vào cho nhẹ xuồng nhưng thủy thủ tuyệt nhiên không cho bởi họ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho chúng tôi mà! Khoảng khắc ấy nhanh chóng được một anh quay phim của Đài PT-TH Thanh Hóa ghi lại trong tư thế được đồng nghiệp túm thắt lưng để anh này chắc tay quay. Một dẫn chứng đó thôi cũng đủ biết, cánh phóng viên tác nghiệp ở Trường Sa làm việc trong điều kiện “khắc nghiệt” mà vui và ý nghĩa nhường nào!

Nhiều lắm những kỷ niệm về phóng viên Trường Sa và bỗng nhiên trỗi dậy khi tình hình biển Đông chưa ngơi căng thẳng. Tôi biết, đồng nghiệp tôi nhiều anh chị mong muốn được đặt chân lên Trường Sa, được xông pha ra Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để tác nghiệp, để động viên, tiếp thêm sức mạnh, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, ngư dân nước ta nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Từ Trường Sa, tôi đã có được một số tác phẩm phản ánh về đời sống của quân và dân trên huyện đảo cũng như tình cảm của quê hương đối với các anh. Những ngày công tác ở Trường Sa cho tôi được thử sức với điều kiện làm việc khắc nghiệt, cho tôi nhiều bài học về tình tương thân, tương ái trong tác nghiệp báo chí và hơn hết tôi thêm trưởng thành hơn trong nghề “cầm bút” của mình.

Xin thêm một lần về với Trường Sa…