Ban hành văn bản pháp luật sai: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Quốc hội ngày 12/6, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng ban hành các văn bản pháp luật sai trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết ngày 30/4/2014, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó có 186 văn bản sai căn cứ và hình thức, 64 văn bản sai về hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền, đáng chú ý có 54 văn bản sai về nội dung.

Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phản ánh nhiều cử tri rất bức xúc trước tình trạng ra các văn bản hướng dẫn sai, phải rút lại, phải thu hồi, phải sửa chữa dẫn đến chuyện chúng ta phải tốn kém hàng trăm tỷ hoặc hàng ngàn tỷ đồng. “Làm sao để tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn sai, phải sửa chữa và xử lý ra sao, làm cách nào để hạn chế tối đa tình trạng này?”.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị: Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu theo như yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 67 ngày 29/11/2013.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Bộ trưởng Bộ Tư pháp có nghĩ đến việc đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội mở rộng quyền làm chủ của người dân để người dân được khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước để bảo vệ quyền lợi và sự công bằng?

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, 54 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến, có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với luật và pháp lệnh, còn lại là văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng phát hiện thêm những quy định không phù hợp với thực tiễn và không khả thi.

Về tình hình xử lý, trong số 54 văn bản sai về nội dung, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản thì có 19 văn bản được các cơ quan soạn thảo sửa ngay nội dung trái pháp luật, không phù hợp và không khả thi như: Thông tư số 24/2013 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định thêm một số đối tượng được ưu tiên cộng điểm so với quy định của Pháp lệnh Người có công, hay quy định cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa là không phù hợp với thực tiễn. Có 35 văn bản Bộ Tư pháp thông báo về nội dung có dấu hiệu trái pháp luật thì đến nay 20 văn bản đã xử lý xong, 15 văn bản đang trong quá trình xử lý.

Theo Bộ trưởng, văn bản ra chậm thì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cụ thể của người dân, nếu thuộc về chính sách.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng cho rằng: Việc tiếp tục ban hành văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ sai về nội dung, sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực thì “không thể chấp nhận được, mặc dù số lượng không cao”. Theo đó, cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Liên quan đến gợi ý của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về quyền khởi kiện của người dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự đồng tình với ĐB khi cho rằng: “Sòng phẳng ra trong một nhà nước pháp quyền thì cũng cần nghiên cứu để bổ sung quy định người dân và doanh nghiệp được khởi kiện cơ quan nhà nước. Trước mắt có thể từ cấp Bộ trở xuống cho đến cấp địa phương khi mà ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho họ, như thế đương nhiên có trách nhiệm bồi thường”.

Để tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, theo tinh thần của Cương lĩnh và tinh thần của Hiến pháp 2013, Bộ trưởng cũng cho rằng: Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để giao cho Tòa án nhân dân tối cao khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các bộ hoặc các địa phương trái với Hiến pháp, trong Hiến pháp có quy định về cơ chế bảo hiến thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ sự lo lắng về hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề, tồn tại. “Vừa chậm, vừa sai mà nếu sai rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và của doanh nghiệp. Đây là một thiếu sót, yếu kém". Chủ tịch Quốc hội nói.

“Chúng ta phải nhận rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri. Nếu chúng ta làm không tốt, làm không nghiêm sẽ có trường hợp biết mà không thi hành pháp luật, làm trái pháp luật, không xử lý kịp thời cũng rất nguy hiểm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam