"Hãy yên lòng mẹ ơi!"

(NTO) Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi năm, tỉnh ta có hàng trăm thanh niên lên đường nhận nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Trong mỗi câu chuyện của chiến sĩ Ninh Thuận ở Trường Sa mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, các anh đều nhắc đến người mẹ của mình bằng một niềm xúc động dạt dào. Ngược lại, ở quê nhà, những người mẹ ấy luôn đặt niềm tin lớn, động viên, khích lệ các chiến sĩ vững tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đến nay, đã hơn 1 tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương-981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong những gia đình có con em đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, đôi lúc người thân không khỏi lo lắng khi nghe thông tin về những nguy hiểm, khó khăn của những người lính đang bảo vệ các đảo tiền tiêu phải đối mặt. Song trong suy nghĩ của những người mẹ vẫn luôn thể hệ quyết tâm là “hậu phương” vững chắc cho con nơi “tiền tuyến”.

 
Ban CHQS huyện Ninh Phước đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Kim Thoa có con đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

So với các địa phương trong tỉnh, Ninh Phước được biết đến là huyện có nhiều thanh niên thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa. Trung tá Lê Đăng Nghị, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Ninh Phước cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 6/9 xã, thị trấn có quân nhân biên chế về các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, với quân số 151 chiến sĩ, trong đó có 19 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua mối liên hệ với các gia đình có con em đang đóng quân ở Trường Sa, tôi nhận thấy rằng ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương thì chính gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các chiến sĩ yên tâm công tác.

Đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Kim Thoa (ở khu phố 8, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) có con trai là Lê Minh Đức đang làm nhiệm vụ ở đảo An Bang. Đức là con trai lớn của chị Thoa và cũng lao động chính trong gia đình. Tháng 9-2012, cũng như bao thanh niên khác, Đức lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh được biên chế về Lữ đoàn 957- Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trải qua 3 tháng huấn luyện, Đức nhận nhiệm vụ mới trên đảo An Bang. Chị Thoa kể: Thời gian trong quân ngũ, không gặp được con nhưng qua điện thoại liên lạc thường xuyên, tôi thấy cháu trưởng thành hơn, rắn rỏi hơn. Đầu năm 2014 là đúng thời gian cháu hoàn thành nghĩa vụ trở về như nhiều thanh niên ở địa phương nhưng Đức điện thoại về cho gia đình hay là cháu vừa nhận một nhiệm vụ mới và sẽ ở lại thêm một thời gian nữa. Động viên con, tôi chỉ nhắc nhỡ cháu phải thật kiên cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để con vững tâm ở nơi tuyến đầu Tổ quốc, chị Thoa vẫn hằng ngày đi làm, lo toan mọi sinh hoạt của gia đình.

Chị Tạ Thị Bi, ở xã Phước Hậu là mẹ của chiến sĩ Nguyễn Thành Mến đang làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa. Trong câu chuyện với chúng tôi về Mến, chị Bi lúc nào cũng rạng rỡ khi kể về con trai. Chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi, chị nói: Theo dõi chương trình thời sự trong nước, tôi biết tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Vì thế mà nhiệm vụ của những người lính ở Trường Sa thời điểm này trở nên cao cả và nặng nề hơn bao giờ hết. Qua liên lạc điện thoại với Mến, tôi luôn nhắc nhỡ con càng phải nỗ lực hơn nữa và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chị Bi còn khoe với chúng tôi Mến hiện đang được đơn vị cử đi học Tiểu đội trưởng và gia đình mong muốn Mến sẽ được phục vụ lâu dài trong quân đội, cùng với đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc.

Có rất nhiều những người mẹ như chị Thoa, chị Bi ngày ngày vẫn luôn hướng về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Để những người lính trẻ Trường Sa vững tâm, chắc tay súng giữ chủ quyền đất nước, các chị cần mẫn lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình, tạo nên "hậu phương" vững chắc để các con yên tâm làm nhiệm vụ.