Cần có chính sách đột phá đối với phát triển dạy nghề

Theo các đại biểu Quốc hội, Nhà nước cần có sự đổi mới và có các chính sách đột phá đối với phát triển dạy nghề nhằm thu hút người học nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; qua đó, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội.

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề (Điều 7), dự thảo Luật bổ sung thêm một số quy định mới như: Đầu tư dạy nghề được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề; Ưu tiên đầu tư tập trung đồng bộ cho các nghề trọng điểm quốc gia và xây dựng một số trường nghề chất lượng cao; Chính sách phân luồng để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề; thực hiện bình đẳng giới trong dạy nghề ...

 

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tham gia thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung và đề nghị cụ thể hóa chính sách đầu tư của Nhà nước trên cơ sở phân tầng về chất lượng các cơ sở dạy nghề (CSDN), tập trung đầu tư phát triển một số CSDN trọng điểm chất lượng cao, làm nòng cốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của hệ thống dạy nghề.

Theo đại biểu (ĐB) Lê Văn Học (Lâm Đồng), Dự thảo chưa có bước đột phá cơ bản đối với chính sách đào tạo nghề cũng như thu hút học sinh vào trường nghề. Đáng chú ý, ĐB Lê Văn Học cho hay: Giáo viên, học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề không có trong thang bảng lương của Nhà nước; học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề không được tuyển vào công chức nhà nước vì không có tên trong bảng bằng cấp quốc gia. Trong khi đó, học sinh các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp lại được. “Đây là sự vô lý, bất công” - ĐB Lê Văn Học thẳng thắn nói.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) cũng băn khoăn: Chính sách học nghề phải như thế nào? Theo ĐB Ngọc Hạnh, Dự thảo Luật đã đưa ra một số chính sách mới nhưng chưa đủ mạnh, chính sách hiện nay chưa hấp dẫn, chưa đủ sức thu hút. Theo đó, cần có điều khoản quy định đào tạo dạy nghề theo đơn đặt hàng, nhưng đề nghị quy định rõ phương thức và quy trình đặt hàng đào tạo nghề; phạm vi đặt hàng chỉ nên tập trung vào những nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó huy động nguồn lực xã hội hóa nên Nhà nước cần hỗ trợ; đồng thời, cần tạo sự phân luồng giữa giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng: Dự thảo Luật còn bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đưa ra các chính sách chung chung, chưa cụ thể hóa được việc cần làm gì để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề; trong khi quy mô cơ sở đào tạo dạy nghề tăng nhanh hơn nhu cầu đào tạo, quản lý nhà nước về dạy nghề; chưa phân định cụ thể giữa các ngành, các cấp. “Cần có sự đột phá mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo nghề, sản phẩm của đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” - ĐB Lê Thị Nguyệt đề xuất.

Đồng tình với việc cần đầu tư ưu tiên những nghề, trường trọng điểm, nhưng ĐB Lê Thị Nguyệt cho rằng: Cần phải quy định rõ ràng, gắn với Luật Dạy nghề, Luật Doanh nghiệp, Luật Việc làm, tránh tình trạng thi nhau “chạy”, hoặc phấn đấu là trường trọng điểm.

Chỉ ra bất cập lớn nhất hiện nay là nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu nghề xã hội, số đông học xong không tìm được việc làm, giảm hiệu quả đầu tư, làm lãng phí tiền bạc của người học nghề, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhấn mạnh: Dự thảo Luật thiếu quy định chặt chẽ về quản lý Nhà nước đối với chất lượng, hiệu quả của các cơ sở dạy nghề; buông lỏng quy định đối với các cơ sở dạy nghề để các cơ sở này được tuyển dụng một cách tự do; không có quy định quản lý nghề được dạy có phù hợp với nhu cầu xã hội và học sinh, sau khi học nghề xong có tìm được việc làm hay không?.

“Dường như Dự thảo Luật “né” hẳn cam kết bảo đảm chất lượng dạy nghề, cam kết sau khi dạy nghề có được việc làm. Nếu không quy định thì làm sao giải quyết được thực trạng người học nghề ra trường không tìm được việc làm?” - ĐB Mỹ Hương đặt vấn đề.

Theo ĐB Mỹ Hương, để tăng cường quản lý chất lượng dạy nghề tại địa phương, cần gắn trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc quản lý chất lượng hiệu quả dạy nghề của các cơ sở dạy nghề tại địa phương. UBND tỉnh cũng cần có quy hoạch ngành nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương theo từng giai đoạn.

“Vấn đề ở đây không phải miễn học phí là kêu gọi được người học nghề, mà cơ sở dạy nghề phải khẳng định được thương hiệu của mình, bảo đảm được công việc cho học sinh sau khi ra trường “ - ĐB Đàng Thị Mỹ Hương nói./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam