Ninh Phước: Thực hiện hiệu quả mô hình “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa

(NTO) Vụ đông-xuân 2010-2011, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Chi Cục BVTV tỉnh, huyện Ninh Phước triển khai mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa. Sau 4 năm thực hiện, mô hình mang lại kết quả khả quan.

Ban đầu mô hình triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu, trên diện tích 10 ha với 32 hộ tham gia, đến vụ đông-xuân 2013-2014 quy mô diện tích lên tới 1.149 ha, phủ rộng ở tất cả 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Mô hình “1 phải, 5 giảm” ngày càng được nhân rộng ở Ninh Phước.

Thực tế cho thấy, diện tích tham gia mô hình tăng dần qua từng vụ bởi giảm được chi phí đầu tư, nhưng năng suất vẫn đạt cao. Cụ thể, mô hình giảm lượng giống gieo sạ từ 100 đến 150 kg/ha; tiết kiệm phân bón từ 27 đến 30 kg/ha; giảm 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; tiết kiệm lượng nước tưới trên 3.000 m3/ha; giảm thất thoát trong thu hoạch gần 4% so với cắt lúa bằng tay. Năng suất mô hình bình quân đạt 8 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống từ 0,9 đến 1 tấn/ha.

Thành công trong thực hiện mô hình đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Để thuận tiện thực hiện các quy trình kỹ thuật như làm đất, thu hoạch bằng máy, sử dụng máy sạ hàng, điều tiết nước… các hộ đã liên kết lại sản xuất, từ đó hình thành nên các cánh đồng có diện tích hàng chục ha, làm tiền đề phát triển “cánh đồng mẫu lớn” có diện tích hàng trăm ha, thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia. Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Sanh (xã Phước Hậu) duy trì thực hiện mô hình trên diện tích 100 ha; trong đó, nhận sản xuất 10 ha giống cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố. Anh Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Hình thức liên minh sản xuất rất có lợi cho xã viên vì được Công ty cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn ngoài thị trường.

Có thể nói, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” không những tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư mà còn giảm ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo độ tin cậy về chất lượng sản phẩm để các doanh nghiệp cùng liên kết làm ăn. Điều này được minh chứng trong vụ lúa đông-xuân vừa rồi, Công ty Jimmy Hung Anh Food liên kết với 54 xã viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức (xã Phước Hữu) sản xuất 50 ha lúa. Anh Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX, cho biết: Mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa cho lợi nhuận cao, bình quân 1 ha thu lãi 35 triệu đồng. Vụ hè-thu này công ty tiếp tục liên kết với xã viên sản xuất 100 ha lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” và hướng đến sản xuất trên quy mô lớn hơn trong các vụ tới nhằm đáp ứng như cầu sử dụng gạo sạch ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mô hình “ 1 phải, 5 giảm” phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, làm tăng giá trị trên đơn vị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Việc giảm lượng phân bón, thuốc BVTT góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng. Từ những ưu điểm vượt trội của mô hình, chủ trương của huyện Ninh Phước là tiếp tục nhân rộng, dự kiến vụ hè-thu này triển khai 2.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn huyện. Hiện tại huyện đang chỉ đạo các xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa.