Buôn bán trên vỉa hè và những hệ lụy!

Trong thực tế đời sống, việc kinh doanh trên vỉa hè đã ngày càng trở thành một phần của “bộ mặt” không chỉ có ở thành phố mà còn ở cả các thị tứ, thị trấn của các huyện đã và đang phát triển.

Kinh doanh trên vỉa hè có nhiều “tiện ích” đó là người bán có thể trưng ra nhiều loại hàng hóa lại không phải mất tiền thuê mặt bằng. Người mua thì cũng tiện vì không phải gởi xe, chỉ cần tấp xe vào điểm bán mặt hàng cần mua, lựa chọn, trả giá… là xong và thường là giá có phần “mềm” hơn mua tại chợ hay tại các tiệm, các shop.

Công an Tp. Phan Rang- Tháp Chàm phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp
vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường.

Vậy đối tượng kinh doanh trên vỉa hè là những ai? Có thể nói là rất “phong phú” về người bán, từ một số chủ căn hộ mặt tiền kinh doanh “lấn sân” ra vỉa hè đến người bán nhưng không có điểm cố định tại chợ... tự lấn chiếm vỉa hè để bán với nhiều chủng loại hàng hóa theo nhu cầu của người tiêu dùng. Ngay tại các chợ cũng vậy. Người bán “bao vây” vòng ngoài sát mặt đường làm “cô lập” nhiều chủ sạp hàng cố định trong chợ có cùng mặt hàng. Tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, loại hình kinh doanh trên vỉa hè phát triển mạnh. Đến nay đa phần các tuyến đường chính đều “được” án ngữ từ hàng ăn sáng, xe bánh mì, quán cà phê cóc đến các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh bề thế, thậm chí có cơ sở kinh doanh đã “chiếm luôn” vỉa hè làm nơi giữ xe cho người mua hàng chẳng khác nào như “sân nhà” vậy.

Hệ lụy của việc” chiếm dụng” vỉa hè này đầu tiên thấy rõ nhất là đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường vốn đã hẹp lại càng hẹp thêm dẫn đến nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Thứ hai là bất bình đẳng trong kinh doanh bởi lẽ người buôn bán trên vỉa hè chẳng có cơ quan nào quản lý nên không phải đóng tiền mặt bằng, ngay cả thuế, giả sử như được đưa vào diện quản lý thu thuế thì cũng nhẹ hơn nhiều so với bán cố định tại chợ. Đó là chưa nói đến tình trạng ế ẩm do bị “hớt” khách hàng, lại phải đóng thêm các chi phí khác. Một trong những hệ lụy cũng không kém phần quan trọng đó là từ chất lượng thực phẩm tươi, sống đến các hàng ăn uống bày bán tại vỉa hè, lề đường do thiếu sự kiểm soát, trong đó có yếu tố để đáp ứng tâm lý của các khách hàng là chuộng giá rẻ nên người bán lấy nguồn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhất là thực phẩm tươi, sống ngay cả khi mang mầm dịch bệnh, người bán cũng không biết hoặc không cần biết để đạt mục đích là thu lợi nhuận cao. Đối với các hàng ăn uống cũng không khác gì hơn và người tiêu thụ có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm, nhất là các bệnh về đường ruột trong những ngày hè nóng bức này…

Trước thực trạng nêu trên, đề nghị chính quyền các địa phương và ngành chức năng cần lập lại trật tự để trả lại “đường thông, hè thoáng”, đúng mục đích là vỉa hè dành cho người đi bộ. Đồng thời để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trên vỉa hè từ trước đến nay bằng việc quy hoạch khu buôn bán tập trung hoặc đưa vào các chợ để bán hàng, rất “nhất cử lưỡng tiện” đó là vừa quản lý thu thuế, phí… vừa quản lý được chất lượng hàng hóa.