Các nghệ nhân Câu lạc bộ đờn ca tài tử hòa tấu nhac cụ.Ảnh:SN
ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Có thể do sự gần gũi về vị trí địa lý kéo theo sự ảnh hưởng của văn hóa mà Ninh Thuận- một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ lại đứng chung danh sách với 19 tỉnh Nam Bộ hiện vẫn đang phát triển nghệ thuật ĐCTT ở Việt Nam. Theo chân một người bạn, tôi lần đầu tiên được trực tiếp gặp và nghe 2 anh em người Chăm, thôn Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, Ninh Phước) chơi ĐCTT hay và cuốn hút đến độ tôi không chắc mình có thể dùng ngôn từ để miêu tả trọn vẹn lại được.
Ông anh là Lưu Quang Chanh năm nay 80 tuổi, còn người em là Lưu Quang Kiệt, tuổi cũng đã ngoài 60. Cùng ngồi chung một chiếu trải trên nền đất nhưng hai ông là những nghệ sĩ ĐCTT tài hoa, còn chúng tôi chỉ là những người nghe, người ham thưởng thức nghệ thuật đầy ngẫu hứng nhưng cũng không kém phần tinh tế này. Người anh đánh đàn Kìm, còn người em chơi cây ghi-ta phím lõm, nhạc bắt đầu vào nhịp và lời ca bản tài tử “Biển đảo Tổ quốc tôi”- sáng tác của soạn giả Minh Đăng, viết theo điệu Lưu Thủy Trường được cất lên. Người em “buông tiếng hát”, còn người anh thì “tay phím nắn nót cung đàn”. Tiếng đàn trong trẻo, réo rắt, giọng ca da tiết, mượt mà làm tâm hồn người nghe như bay bổng khi nương theo dòng chảy giao hòa của thanh âm và điệu hát. Chiếc đàn Kìm đã bị trầy xước nhiều ở phần mặt đàn, dây đàn chiếc Ghi-ta phím lõm đã đứt được thay thế bằng dây inox rút ra từ dây phanh xe đạp, bộ phận lên dây cũng trục còn, trục mất… thế nhưng, 2 tiếng đàn vẫn hòa điệu với nhau nhịp nhàng, nhặt khoan ru hồn người nghe theo từng tiếng tơ.
Các nghệ nhân công diễn chương trình tham gia
Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ nhất - Bạc Liêu năm 2014. Ảnh: S.N
Lời bài ca sao mà nhẹ nhàng, chân thật, gần gũi và ý nghĩa khiến ông Kiệt “nằm lòng” và chuyển tải nội dung của bản tài tử một cách đầy tự nhiên và ngẫu hứng. Bản tài tử lúc thăng, lúc trầm, lúc nhanh, lúc chậm, những đoạn ngưng nghỉ, nhấn nhá, chuyển hơi, đổi giọng đều được ông Kiệt “làm rất tới”. Còn ông Chanh, cái tuổi 80 khiến ông mắt mờ, chân chậm, nhưng khi ông chơi ĐCTT, tôi thấy một tay ông cầm miếng khẩy đàn, một tay lia “nhanh nhẹn” trên phím đàn, trông rất “điệu nghệ”. Ông Chanh như một người nghệ sĩ đầy phong cách với các “ngón đàn” riêng khi diễn đạt các sắc thái tình cảm khác nhau, từ dịu dàng, mềm mại đến rắn rỏi, rộn ràng. 2 anh em đờn ca hết bản tài tử này lại tới bản tài tử khác. Bà con chòm xóm: người già có, trẻ em có, người Chăm có, người Kinh có, ngồi nghe 2 anh em họ Lưu chơi ĐCTT mà mê tới độ như thả hồn theo lời ca tiếng nhạc.
Chơi xong mấy bản, ông Kiệt lại phải xắn quần ra ruộng. Ông nói mình phải nhanh chóng toan lo công việc ở nhà cho gọn ghẽ để sáng mai còn theo đoàn của tỉnh đi vào Bạc Liêu tham gia Chương trình Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I. Chào tạm biệt ông ra về, cái nóng tháng 4 lúc này dường như đã nhường chỗ cho những điệu ĐCTT quẩn quanh, vang vọng trong tôi.
Nguyễn Tuyến