Nhiều vướng mắc trong việc thu phí đường bộ đối với xe mô tô

(NTO) Theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, ngày 13-8-2013, của UBND tỉnh, bắt đầu từ ngày 23-8-2013, các phường, xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi thực hiện công tác này.

Quyết định nêu rõ, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô (không bao gồm xe máy điện) gồm xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh (gọi chung là xe môtô).

Hiện vẫn còn nhiều xe môtô đang lưu thông vẫn chưa được được đóng phí đường bộ theo quy định

Trong đó, loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 có mức phí 50.000 đồng/năm; loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 mức phí 110.000 đồng/năm; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh có mức phí 2.160.000 đồng/năm. Thời gian áp dụng thu phí từ ngày 1-1-2013. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 260.000 xe môtô, với mức phí như trên, ước tính trung bình mỗi năm sẽ thu được trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2013, tổng số tiền các địa phương thu được chuyển vào Quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh là 287 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cũng chỉ thu được trên 322 triệu đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu phí chậm là do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Ông Vũ Quang Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh cho biết: Công tác quản lý thu phí đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay đầu năm, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ gửi công văn đến tất cả các xã, phường, thị trấn yêu cầu các địa phương lập kế hoạch thu phí và gửi lại cho Hội đồng quản lý Quỹ để bảo đảm công tác quản lý thu, chi theo quy định. Tuy nhiên đến nay, Hội đồng chỉ nhận 9 văn bản trả lời”.

Tp.Phan Rang- Tháp Chàm là địa phương có số lượng xe máy nhiều nhất tỉnh, hơn 90.000 xe. Khi quyết định của UBND tỉnh ban hành, UBND thành phố đã triển khai, chỉ đạo cho các xã, phường thực hiện rà soát, kê khai số lượng xe, thu phí theo đúng quy định. Đến cuối năm 2013, chỉ có 8/16 phường thực hiện công tác này. Ông Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thu phí, ngay đầu năm 2014, UBND thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị chỉ đạo quyết liệt các xã, phường tăng cường trách nhiệm, thực hiện các giải pháp đồng bộ triển khai công tác thu phí năm 2014 và thu của năm 2013 đối với các chủ phương tiện chưa kê khai nộp phí. Đến hết tháng 3, công việc kê khai, lập bộ phải hoàn thành, tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương chưa hoàn tất công việc này”.

Để thực hiện thu phí, các xã, phường giao cho BQL các thôn, khu phố thực hiện toàn bộ việc kê khai, thu phí ở các hộ dân. Qua tìm hiểu, các BQL thôn đã gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu kê khai số lượng xe. Ông Trương Văn Hiếu, Trưởng BQL khu phố 8, phường Thanh Sơn (Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Khu phố 8 có tổng số trên 260 hộ dân, ước tính có khoảng 500 xe máy. Ngay khi UBND phường triển khai quyết định thu phí đường bộ của tỉnh, BQL khu phố đã đến các hộ dân phát biểu mẫu kê khai số lượng xe, yêu cầu gửi lại cho BQL khu phố, nhưng rất ít hộ dân thực hiện. Thậm chí khi BQL khu phố đến tận nhà kê khai và yêu cầu nộp phí, hầu hết các hộ đều viện nhiều lý do để trì hoãn. Từ năm 2013 đến nay, cả khu phố chỉ thu được phí của 8 hộ, với 11 xe máy, tổng số tiền hơn 900.000 đồng.

Xã Phước Thuận là một trong số địa phương được đánh giá thực hiện hiệu quả công tác thu phí đường bộ đối với xe mô tô ở huyện Ninh Phước. Trong 2 tháng đầu năm, toàn xã đã thu được trên 45 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng không tránh lúng túng, khó khăn. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Nhiều mô tô được đăng ký tại địa phương nhưng lại không hoạt động ở địa phương mà hoạt động ở các địa phương khác, hoặc không đăng ký ở địa phương, nhưng lại hoạt động tại địa phương. Những trường hợp này, nhiều lúc BQL các khu phố lúng túng không biết kê khai thế nào?. Ngoài ra, theo thống kê, toàn xã có khoảng 20% hộ không chịu thực hiện kê khai, đóng phí. Đối với những trường hợp này, UBND xã chỉ đạo các khu phố tích cực tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, qua tiếp xúc, các hộ dân cũng tỏ ra không hài lòng vì cho rằng việc thu phí như hiện nay là không công bằng. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, một người dân cho biết: Gia đình tôi có 2 xe máy, đều trên 100 phân khối, nhưng hầu như chỉ sử dụng 1 xe, chiếc còn lại rất ít dùng, nhưng cũng phải đóng phí. Tốt nhất, Nhà nước không nên dựa vào đầu xe để thu phí, mà nên thu qua xăng thì hợp lý hơn.

Trong khi ý thức chấp hành của người dân chưa cao, Nhà nước lại chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện các biện pháp chế tài xử lý đối với những trường hợp cố tình chay ì, nên công tác thu phí chưa đạt hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Bé, Trưởng BQL khu phố 7, phường Đô Vinh (Phan Rang-Tháp Chàm), hiện nay, công tác thu phí chủ yếu qua tuyên truyền, vận động. Đối với những trường hợp cố tình trốn tránh không đóng chúng tôi cũng đành “bó tay” và chỉ biết báo cáo lên cấp trên, vì BQL khu phố không có quyền xử phạt, cũng không có văn bản nào hướng dẫn giải thích những chế tài xử phạt để người dân biết mà chấp hành.

Trước tình hình trên, để công tác thu phí đường bộ đạt hiệu quả cao, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến của các địa phương, quan trọng hơn cả Chính phủ cần sớm ban hành quy định xử phạt đối với những trường hợp không chấp hành, đồng thời đề ra biện pháp thanh tra, kiểm tra, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân; yêu cầu các chủ phương tiện khi mua, hoặc sang tên, đổi chủ… xe môtô cần phải yêu cầu đóng phí trước khi hoàn tất các thủ tục hồ sơ, nhằm tiết kiệm thời gian và siết chặt hơn nữa công tác thu phí đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy. Ngoài ra, hiện nay vẫn có nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ quy định, mức đóng phí là bao nhiêu, vì vậy khi đến nhà dân thực hiện rà soát, kê khai, thu phí cần giải thích rỏ ràng, cặn kẻ để người dân biết, chấp hành nộp phí theo quy định.