Những điều cần biết về bệnh Lao phổi

(NTO) Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2013, cho thấy 1/3 dân số thế giới nhiễm Lao; 12 triệu người hiện đang mắc Lao; 8.6 triệu người mắc Lao mới; 1.3 triệu người tử vong do Lao. Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh Lao cao nhất thế giới.

Hàng năm Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc Lao mới, 170.000 người mắc Lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc Lao đa kháng thuốc và đặc biệt có khoảng 18.000 người tử vong do bệnh Lao. Ninh Thuận năm 2013 phát hiện 793 ca mới ; tử vong 30 người.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm và gánh nặng bệnh Lao đem lại, ngày 4-3-2014, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó xác định công tác phòng chống Lao là công việc lâu dài và trách nhiệm của toàn xã hội; Nhà nước chủ đạo về nguồn lực, đồng thời huy động các nguồn lực cho việc phòng chống Lao và điều trị bệnh nhân Lao chủ yếu tại cộng đồng chứ không phải tập trung trong bệnh viện.

Chủ đề Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay là: “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh Lao”. Để bảo vệ mình và người thân, mọi người cần thực hiện:

- Đối với người có một trong các triệu chứng như: ho khạc kéo dài > 2 tuần mà không rõ nguyên nhân; Gầy sụt cân không rõ nguyên nhân; mất ngủ và thường ra mồ hôi trộm; Thường sốt hâm hấp về chiều; Ho khạc ra máu… cần đến ngay trung tâm y tế huyện, thành phố để được khám bệnh sớm;

- Người mắc bệnh Lao cần điều trị trong Chương trình Phòng chống Lao Quốc gia để được điều trị đúng phác đồ, đúng thời gian và có sự giám sát, giúp đỡ của CBYT chuyên khoa Lao để có hiệu quả cao; nhiều năm qua Chương trình đã làm rất tốt;

- Nếu phát hiện mắc bệnh Lao, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ đa hóa trị liệu ngắn ngày thường thì trong vòng 30 – 60 ngày là trong đàm sạch BK nên không còn lây nhiễm cho người khác, vì vậy không cần cách ly bệnh nhân quá lâu như quan niệm xưa cũ mà trái lại gia đình cần động viên người bệnh uống thuốc đúng liều lượng, đúng giờ, đúng thời gian và tăng bồi dưỡng để có sức khỏe chống lại bệnh Lao tốt hơn.

Phòng ngừa bệnh Lao:

- Trẻ sơ sinh phải được tiêm vac-xin phòng Lao trong vòng 24 giờ;

- Ăn uống đủ chất tức là ăn đủ gạo, bột; đạm (thịt, cá, trứng, cua, ốc, lươn ếch, chuột đồng), đủ rau xanh và trái cây và dầu mỡ. Nếu biết tính toán vẫn có được bữa ăn đủ chất mà không cần nhiều tiền.

- Không lạm dụng rượu bia, thuốc kích thích, thức đêm liên tục… đây là yếu tố nguy cơ rất cao để bệnh lao bùng phát;

- Lao động cần có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức;

- Tập thể dục, thể thao, khí công… đều đặn.