"Kéo pháo vào, kéo pháo ra" – một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ

Mặc dù phải bỏ biết bao công sức và cả tính mạng của chiến sỹ, mới kéo được pháo vào đến mặt trận Điện Biên Phủ, sẵn sàng trút đạn xuống đầu thù. Vậy mà để bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh "kéo pháo ra !" để chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hồi tưởng lại:

Khó khăn lớn nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ là quá trình đưa pháo vào trận địa. Theo kế hoạch tác chiến, khi tất cả các khẩu pháo ở yên trong vị trí và sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Chúng ta quyết để dành cho kẻ địch 2.000 trái pháo 105 ly trong trận mở màn. Khi nghe phổ biến điều này, cán bộ hết sức phấn khởi, coi như sẽ có một tiếng sét giáng xuống đầu quân địch!

Hơn bốn chục vị trí nằm trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm, cũng như các trận địa pháo đã xuất hiện đầy đủ trên sơ đồ vẽ tay của cơ quan tham mưu chiến dịch. Chúng ta chỉ mới kiếm được loại bản đồ cũ tỷ lệ 1/100.000, thiếu rất nhiều chi tiết.

Bộ đội kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: tư liệu TTXVN)

Trong một tháng "Mở đường thắng lợi", bộ đội ta và thanh niên xung phong đã làm nên một việc thần kỳ. Con đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ, dài 82 km, trước đây chỉ rộng một mét đã được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15 km. Từ đây, các khẩu pháo sẽ được kéo bằng tay vào những trận địa trên quãng đường dài 15 km. Đường kéo pháo rộng ba mét chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Phasông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ – Lai Châu, tới Bản Nghìu, mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, nó phải được ngụy trang toàn bộ không cho máy bay trinh sát phát hiện. Thời gian làm đường dự kiến trong một ngày, một đêm. Ta đã rải bộ đội suốt dọc đường làm xong trong 20 giờ! Việc tiếp theo là đưa lựu pháo và cao xạ pháo vào vị trí bắn. Nhiệm vụ được trao cho Đại đoàn 351 và Đại đoàn 312, dự kiến hoàn thành trong ba đêm.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định thành lập Bộ Chỉ huy kéo pháo, do đồng chí Lê Trọng Tấn, - Tư lệnh Đại đoàn 312, làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Chính uỷ Đại đoàn 351, làm Chính ủy; đồng thời cử đồng chí Đỗ Đức Kiên - Trưởng ban Tác chiến chiến dịch và một số cán bộ tham mưu xuống cùng bàn kế hoạch và kiểm tra đôn đốc.

 

Khi đi thăm đường kéo pháo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảm thấy băn khoăn. Con đường kéo pháo khá dài nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Đại tướng thấy rất khó đưa pháo vào trận địa đúng thời gian dự kiến. Và việc tiếp đạn khi chiến đấu sẽ rất khó khăn…

Anh hùng Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện người đã lấy thân mình chèn pháo
và anh dũng hy sinh ngày 01/2/1954 trong khi kéo pháo ra.
(Ảnh: tư liệu Bảo tàng LSQSVN)
 
 
Cỗ pháo phòng không 37mm, số hiệu 510.681, được nhà nước Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đây chính là khẩu pháo mà Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện hy sinh khi cố tìm cách chặn không bị lao xuống dốc
(Ảnh: tư liệu Bảo tàng LSQSVN)

Sau bảy đêm pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954, phải lui lại năm ngày. Chúng ta chưa lường hết trở ngại khi dùng sức người kéo những khối thép nặng hai tấn, qua những dốc cao 30 - 40 độ, có chỗ lên tới 60 độ, lại bị máy bay và pháo địch cản trở. Trong những ngày kéo pháo, có những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Trước đó, xe chỉ chuyển pháo tới cửa rừng Nà Nham, đề phòng vào gần hơn địch phát hiện tiếng động cơ. Bộ Chỉ huy Chiến dịnh buộc phải có một quyết định mới: Cho Đại đoàn 351 dùng xe ô tô đưa pháo vào khu vực Nà Ten, Nà Hy để giảm khoảng ba đêm kéo pháo bằng tay.

Trong một lần đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nghe Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo: Trong quá trình chiến đấu sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm. Nhưng đấy chỉ là sự tính toán công việc phải làm.

Ngày 23/1/1954, ngày trước khi nổ súng (lúc này do pháo vẫn chưa vào đến vị trí, nên giờ nổ súng đã được hoãn lại đến ngày 25/1/1954), đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây đề nghị gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua điện thoại. Đồng chí Phạm Kiệt nhận xét: "Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tính tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa".

Theo quy định, đồng chí Cao Pha - Cục phó Cục 2, phản ánh tình hình địch với Chỉ huy trưởng chiến dịch hằng ngày, khi có những hiện tượng đột xuất như địch tăng quân, rút quân thì phải báo cáo ngay. Tin tức thu được từ ba nguồn: Các đơn vị đang bao vây, trinh sát của Bộ và tin của địch thu qua vô tuyến điện.

Qua các nguồn tin thu thập được biết, ở Mường Thanh, quân địch đã có thêm nhiều xe tăng và trên bốn chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình và phân tích các nguồn tin thu thập được, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt chú ý hệ thống công sự phụ, những hàng rào dây thép gai và bãi mìn địch không ngừng mở rộng mỗi ngày, có nơi đã rộng tới hơn 100 mét, thậm chí 200 mét! Ngày 24/1/1954, Cục 2 báo cáo, trong ngày, địch vừa tăng cường cho Điện Biên Phủ thêm một tiểu đoàn. Những cứ điểm phía Tây, nơi mũi chính Đại đoàn 308 sẽ đột phá tuy không mạnh như một số cao điểm, nhưng nằm trên cánh đồng trống, bộ đội không có địa hình ẩn náu, địch dễ sử dụng xe tăng, pháo binh, máy bay và lực lượng phản kích đối phó. Gần ngày nổ súng, cơ quan tác chiến báo cáo: Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ở Đại đoàn 312, đề nghị trả lại bớt pháo vì được trao quá nhiều pháo! Đây là hiện tượng cần chú ý. Chưa bao giờ một đơn vị đột kích lại từ chối pháo phối thuộc!

Từ những khó khăn trong việc kéo pháo vào trận địa, cộng với nhiều khó khăn khác trên chiến trường có thể ảnh hưởng to lớn đến kết quả của chiến dịch, vì vậy, giờ nổ súng của "chiến dịch Trần Đình" – mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ – dự kiến vào đêm ngày 25/1/1954 một lần nữa lại phải hoãn.

Đảng uỷ mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ
(Ảnh: tư liệu TTXVN)

Sáng ngày 26/1/1954, Đảng ủy mặt trận tổ chức họp. Trong cuộc họp, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay. Ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.

Mọi người im lặng một lúc. Đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị, phát biểu:

– Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?

Đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp mặt trận, nói:

– Tôi thấy cứ giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được!

Đại tướng nói:

– Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở… Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng.

Đồng chí Hoàng Văn Thái nói:

– Anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cân nhắc cũng phải... Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 ly và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi.

Trao đổi một hồi chưa đi tới kết luận. Cuộc họp tạm dừng một lát. Khi cuộc họp tiếp tục, Đại tướng nói:

– Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quý trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”.

Đông chí Lê Liêm nói:

– Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng trăm phần trăm!

Đồng chí Đặng Kim Giang nói tiếp:

– Làm sao dám bảo đảm như vậy!

– Tôi nghĩ với trận này, ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm!

Bấy giờ anh Hoàng Văn Thụ mới nói:

– Nếu yêu cầu chắc thắng trăm phần trăm thì khó…

Lát sau, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Đây chính là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Việc kéo pháo ra cũng khó khăn y như kéo pháo vào.

 

Gần một tháng sau đó, thực hiện phương châm chiến đấu mới, trận địa được chuẩn bị lại và bộ đội được lệnh kéo pháo vào lần thứ hai để rồi sau đó trút mưa đạn xuống đầu quân thù, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ "vang dội năm châu, chấn động địa cầu"...

... Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số đồng chí phụ trách các đại đoàn đã chia sẻ, tâm sự với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu nói: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: Được lời như cởi tấm lòng!". Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Riêng Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói: "Ở Thẩm Púa, khi nghĩ phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên pháo 105 ly, ai cũng trầm trồ cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy!... Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!”.

Về sau này, mỗi khi nhắc tới cuộc họp của Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ ngày 26/1/1954 và quyết định "Kéo pháo ra", chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều khẳng định: Đó thật là một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ!

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

-----------------------

Nguồn tham khảo:

- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Hồi ký "Điện Biên phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Lịch sử Quân sự Việt Nam.