Cần tiêu hủy gia cầm chết do dịch bệnh đúng cách

(NTO) Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, năm 2014 tổng đàn gia cầm toàn tỉnh tăng khoảng 1,8 triệu con, cao hơn gần 500 nghìn con so với năm 2013. Tới nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 ổ dịch cúm A/H5N1, ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) và mới đây nhất là ở thôn Như Bình (Phước Thái, Ninh Phước).

Vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác số lượng gia cầm chết trong các hộ nuôi nhỏ lẻ ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, đâu đó trên các con sông, mương, ven đường, bãi rác xuất hiện xác gia cầm chết không rõ nguyên nhân, mà khả năng cao là chết do dịch bệnh.

Gia cầm chết trôi nổi trên mương Ông Cố (địa phận phường Bảo An, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Đi dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn từ Ninh Hải tới Thuận Bắc, chúng tôi phát hiện ra nhiều xác gia cầm chết được vất ngay bên vệ đường hoặc trên các bãi rác công cộng. Men theo mương ông Cố (đoạn thuộc địa phận phường Bảo An, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), xác gà, vịt trương phình trôi nổi dọc bờ mương là hình ảnh không xa lạ gì đối với người dân sống quanh khu vực này, nhất là 1-2 tháng gần đây. Chị Vũ Thị Loan- người dân sống ven mương cho biết, ngày nào chị cũng nhìn thấy xác gia cầm trôi trên mương. Lúc thì thấy một vài con, lúc thì cả bao tải.

Khi được hỏi là vì sao nhiều người chăn nuôi thường vất xác gia cầm bệnh chết ra ngoài môi trường hơn là tiêu hủy như chôn hoặc đốt thì một nông dân chăn vịt ở xã Tân Hải (huyện Ninh Hải) chia sẻ: Người ta thích vất xa tầm mắt của họ, có cảm giác như dịch bệnh không còn ở gần, không lây lan cho các con gia cầm khác trong đàn. Thêm nữa, vất ra ngoài môi trường nhanh và tiện hơn nhiều so với việc đào hố chôn hoặc đốt”. Đây hẳn là suy nghĩ chung của nhiều người chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì những suy nghĩ “vô tư” như trên, mà ngày càng xuất hiện nhiều những dòng sông, con đường ô nhiễm và là nguồn lây lan dịch bệnh.

Anh Trần Ngọc Bích, Trưởng phòng Kiểm dịch Động vật-Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Các địa phương, các hộ gia đình có gia cầm bị bệnh cần biết cách tiêu hủy, chôn lấp để vừa diệt tận gốc, không để dịch bệnh cúm gia cầm lan rộng trong cộng đồng, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường.

Người chăn nuôi hãy thay đổi nhận thức và cách làm bắt đầu ngay từ việc không vất bừa bãi xác gia cầm bị bệnh, góp phần quan trọng trong việc hạn chế, ngăn ngừa sự lây lan của dịch cúm A/H5N1.