1. Lựa chọn cuốn Atlat phù hợp.
Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, dày 32 trang (nên sử dụng Atlat tái bản gần đây nhất).
2. Nắm chắc các ký hiệu.
HS cần nắm chắc các ký hiệu chung ở trang 3 của cuốn Atlat, vì các trang bản đồ trong Atlat chỉ in chú thích riêng của bản đồ đó. Mặt khác, việc nhớ thuộc các ký hiệu sẽ giúp cho học sinh đỡ mất thời gian trong quá trình làm bài thi.
3. Phân tích câu hỏi để nhận định câu hỏi nào có thể dùng Atlat.
- Các câu hỏi yêu cầu dựa vào Atlat.
- Các câu hỏi yêu cầu trình bày tên đối tượng, về sự phân bố hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng Atlat để trả lời. Các câu hỏi yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy trên cơ sở số liệu ở các bảng thống kê, biểu đồ trong Atlat.
4. Chọn bản đồ phù hợp nhất với nội dung câu hỏi.
Sau khi đọc câu hỏi các em nên xác định xem đối với câu hỏi đó có thể sử dụng những trang Atlat nào để trả lời, sau đó cần xác định trang phù hợp nhất.
Ví dụ: Đối với câu hỏi “Trình bày vùng phân bố chủ yếu của các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta: Chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dừa” thì có thể sử dụng trang Cây công nghiệp (trang 19) và trang Nông nghiệp chung (trang 18) tuy nhiên trang thích hợp nhất là trang 19 vì trang 18 không có phạm vi vùng và chú thích cho từng loại cây công nghiệp.
5. Biết khai thác bảng số liệu, biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat.
Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) hoặc các bảng số liệu thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông - lâm nghiệp) của các ngành kinh tế. HS cần biết cách khai thác các bảng số liệu, biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.
6. Biết sử dụng kết hợp nhiều bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi.
Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, HS có thể xác định những trang bản đồ cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).
- Những câu hỏi chỉ cần sử dụng một trang bản đồ của Atlat để trả lời. Ví dụ: Đối với câu hỏi “Kể tên các thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta” thì chỉ cần sử dụng bản đồ Hành chính (trang 5) là đủ.
- Những câu hỏi cần dùng nhiều trang bản đồ trong Atlat để trả lời:
+ Những câu hỏi đánh giá tiềm năng (thế mạnh) của một ngành.
Ví dụ: Khi đánh giá tiềm năng của ngành Công nghiệp năng lượng, HS không những chỉ sử dụng bản đồ khoáng sản để thấy khả năng phát triển các ngành công nghiệp này mà còn sử dụng bản đồ công nghiệp để thấy vai trò của ngành này với các ngành công nghiệp khác; sử dụng bản đồ Công nghiệp năng lượng kết hợp với bản đồ Sông ngòi để thấy tiềm năng phát triển thủy điện...
+ Những câu hỏi về tiềm năng (thế mạnh) của 1 vùng kinh tế.
Ví dụ: Khi phân tích các thế mạnh của vùng Đồng bằng Sông Hồng, HS cần dựa vào bản đồ vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng trang 26 để xác định giới hạn của vùng, phân tích những khó khăn và thuận lợi về vị trí vùng. Đồng thời HS phải biết đối chiếu giữa bản đồ vùng kinh tế với các bản đồ khác (như đất, khí hậu, sông ngòi, dân cư...) nhằm xác định được đầy đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội của vùng.
7. Sử dụng Atlat trong quá trình học lý thuyết.
Khi học lý thuyết, HS nên xác định nội dung bài học có trong Atlat sau đó mở trang Atlat có liên quan, như vậy sẽ tránh được việc ghi nhớ máy móc, kiến thức của các em sẽ được khắc sâu hơn. Ví dụ: Khi học bài “Vấn đề phát triển thương mại”, HS nên vừa đọc tài liệu vừa xem bản đồ Thương mại (trang 19).
Trên đây là một số gợi ý khi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. HS cần lưu ý Atlat không phải là câu “thần chú” mà chỉ góp phần cung cấp thêm kiến thức, vì vậy muốn đạt được điểm 9, 10 thì HS cần chăm chỉ học bài. Chúc các em đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
ThS. Võ Hồng Tuyến An
Giáo viên Địa lý, Trường THPT Trường Chinh