Không thể bóp méo tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Ngày 12-11-2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc (khóa 68) đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 -2016). Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng,... Đồng thời, là một đòn giáng mạnh vào những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch và phần tử xấu ở trong và ngoài nước.

Có thể nói, thực tế từ khi thành lập đến nay, trong đường lối lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra mục tiêu xuyên suốt là vì một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn dành mọi ưu tiên cho việc xây dựng xã hội từng bước phát triển, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho mọi người dân. Tình hình nhân quyền tại Việt Nam từng bước có những cải thiện tích cực, bảo đảm sự hài hòa thống nhất giữa các quy định pháp luật Việt Nam với chuẩn mực quốc tế. Điều đó hoàn toàn trái ngược với những luận điệu xuyên tạc, phán xét chủ quan của một số cá nhân, tổ chức ở nước ngoài. Ai cũng có thể nhận thấy trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm xây dựng, phát triển, hoàn thiện mọi yếu tố nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người và quyền công dân; trong đó, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn chặt với việc đảm bảo quyền con người và quyền công dân trên mọi lĩnh vực. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) đã thể hiện rõ điều đó. Đây là một bảo đảm pháp lý quan trọng để việc thực hiện quyền con người và quyền công dân được khẳng định trong thực tiễn.

Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đi đôi với công tác cải cách tư pháp và ưu tiên phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như đảm bảo tốt hơn về dân chủ, nhân quyền. Trên lĩnh vực này, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng; trong đó, quyền con người được bảo hộ, nâng cao một bước, nhất là quyền lao động, học tập, sinh hoạt và bảo đảm sức khỏe, cũng như các quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo,... Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia tích cực và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bảo vệ người khuyết tật và xem xét khả năng gia nhập các công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư, bảo vệ người tị nạn,… Đồng thời, cũng là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm nhất Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về quyền trẻ em. Vấn đề này cũng đã được LHQ lấy làm mô hình về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) để các quốc gia khác học tập. Ấy vậy mà ở đâu đó vẫn còn có những nhận định, phát ngôn hồ đồ cho rằng Việt Nam “không cải thiện các quyền công dân căn bản”.

Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng quy định rất rõ các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, lập hội,… Thực tế ở Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các hội, liên hội được tự do thành lập theo quy định của pháp luật. Đã có nhiều tổ chức, hội có hệ thống tổ chức từ Trung ương xuống cơ sở; có tiếng nói quan trọng, tham gia đóng góp tích cực vào các vấn đề xã hội và thực sự đã phát huy tác dụng tốt trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt, sau khi lấy ý kiến công khai của mọi tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được hơn 26 triệu ý kiến của nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Điều này thể hiện rõ không khí dân chủ thực sự mà không phải ở một quốc gia nào người dân cũng có điều kiện để thực hiện. Mặt khác, hiện nay ở Việt Nam, người dân được tiếp cận với nhiều kênh, nguồn thông tin khác nhau để tìm hiểu, nắm bắt và tham gia các diễn đàn về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong nước cũng như quốc tế. Tính đến tháng 3-2013, người dân Việt Nam đã được tiếp cận nguồn thông tin của trên 800 cơ quan báo chí, với trên 1.000 ấn phẩm (so với năm 2009, tỷ lệ cơ quan báo chí đã tăng trên 120% và trên 150% số ấn phẩm). Trong khi đó, tính đến cuối năm 2012, số người dùng in-tơ-nét ở Việt Nam đã chiếm 34% dân số. Con số này đã cao hơn mức trung bình 33% của thế giới. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với trên 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có nhiều kênh truyền hình lớn trên thế giới, như: BBC, CNN, Bloomberg, TV5,… Bản thân những con số này đã khẳng định các quyền căn bản của công dân không những được cải thiện, mà từng bước được nâng cao, không như chủ ý bóp méo, xuyên tạc, thiếu xây dựng của số ít cá nhân, tổ chức trong thời gian vừa qua.

Chưa hết, trong vòng 10 năm trở lại đây, trên lĩnh vực lao động, việc làm, trung bình mỗi năm Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực giải quyết cho khoảng 1,4 đến 1,6 triệu người. Công tác dạy nghề cho người lao động cũng từng bước phát triển, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ dưới 10% lên trên 40%. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm đặc biệt; tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 26% (năm 2000) xuống còn khoảng gần 10% (năm 2010) (theo chuẩn nghèo mới của quốc gia). Nếu tính theo chuẩn do Ngân hàng thế giới, thì tỷ lệ nghèo chung (bao gồm cả nghèo lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm) đã giảm từ 58% xuống còn 17% trong vòng 20 năm (1993 - 2013). Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu, đó là: “Giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015”, mà Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ đã đề ra. Tại Hội thảo quốc tế về xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà nước Việt Nam cũng chú trọng ban hành nhiều chính sách, chương trình phát triển nhà ở cho đối tượng khó khăn và thực tế đã hỗ trợ trên 500.000 hộ nghèo có nhà ở; đồng thời, hoàn thành nhiều dự án nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp. Gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ “cơn bão” khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Đó là một thực tiễn sinh động không thể phủ nhận.

Để đảm bảo quyền được học hành, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng triển khai nhiều chủ trương, chính sách và thực tế đã đạt được kết quả quan trọng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường, lớp, từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến cuối năm 2010, hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ năm 2006 đến nay, mô hình đào tạo trung học chuyên nghiệp hằng năm tăng trung bình 10%, cao đẳng và đại học tăng 7,5%. Hơn thế, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đều được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi để có điều kiện sinh hoạt, học tập. Hoạt động khoa học và công nghệ có bước tiến đáng ghi nhận. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được chủ động và tự do phát huy khả năng của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước. Quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được quan tâm đúng mức. Đến nay, khoảng 68% dân số cả nước đã được chăm sóc sức khỏe theo bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm đặc biệt, trong 20 năm trở lại đây tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm từ trên 80% xuống còn 20% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 50% xuống còn dưới 20%. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện, nhiều dịch bệnh hiểm nghèo đã được thanh toán hoặc khống chế. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 72,8 tuổi năm 2010. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều đặn và liên tục suốt nhiều thập kỷ qua. Mặc dù GDP bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, nhưng nếu so với thứ bậc xếp hạng GDP bình quân đầu người thì Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam đang vượt lên nhiều bậc so với số nước có GDP bình quân đầu người cao hơn. Theo đó, chỉ số, thứ bậc về phát triển con người ở Việt Nam đã tăng lên qua các năm; chỉ số, thứ bậc về tuổi thọ và học vấn cao hơn chỉ số về kinh tế. Điều đó chứng tỏ, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có xu hướng vì con người và phục vụ tốt hơn sự phát triển của con người.

Về lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo, qua mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam từng bước đổi mới trong nhận thức, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật cho phù hợp với sự phát triển của các vấn đề xã hội, trong đó có tôn giáo và chính sách tôn giáo. Thực tế, sự phát triển của tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây vượt trội so với nhiều quốc gia trong khu vực. Số lượng các tổ chức tôn giáo tăng gần 120%, tín đồ tôn giáo tăng trên 140% trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam cũng là một quốc gia có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cho phép tôn tạo, tu sửa, xây dựng, phát triển mới các trường, lớp đào tạo, cơ sở thờ tự và sinh hoạt của các tôn giáo để đáp ứng nguyện vọng hoạt động của tín đồ tôn giáo. Không những thế, các chức sắc tôn giáo ở Việt Nam được tự do học tập, tu nghiệp, nghiên cứu tại các cơ sở tôn giáo ở nước ngoài theo nhu cầu và điều kiện phát triển của từng tôn giáo. Hiện có hàng ngàn tín đồ, chức sắc của các tôn giáo đang theo học các bậc học (kể cả thạc sĩ, tiến sĩ) về tôn giáo ở các nước trên thế giới. Nói như vậy, không có nghĩa là hoạt động tôn giáo ở Việt Nam không có vấn đề tồn tại. Một mặt, vẫn có một số ít cán bộ cấp cơ sở nhận thức về chính sách, pháp luật đối với tôn giáo còn hạn chế; do vậy, trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, có những lời nói, việc làm phản ánh không đầy đủ quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, gây những hiểu lầm cho tín đồ và chức sắc tôn giáo. Mặt khác, có một bộ phận nhỏ chức sắc tôn giáo chưa thực sự nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động tín đồ tham gia các hoạt động ngoài mục đích tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đến nay, Việt Nam chưa tiến hành xử lý một vụ việc nào liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc thuộc lĩnh vực hoạt động tôn giáo thuần túy, mà chỉ xử lý những đối tượng cụ thể là công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Tất cả các vụ án này được tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo đúng trình tự của pháp luật và các đối tượng đều phải thừa nhận tội phạm của mình. Ở Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có pháp luật riêng cho các tín đồ tôn giáo và càng không có chuyện “đàn áp, ngược đãi, bạo quyền giáo dân” như sự tuyên truyền, xuyên tạc của một vài nhóm có tư tưởng cực đoan trong thời gian gần đây.

Cũng cần phải thấy rằng, thời gian qua, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo ở chính quyền cơ sở để đưa ra những thông tin hoàn toàn sai lệch, phiến diện, áp đặt chủ quan, nhằm “hướng lái dư luận”, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong đó, thật đáng tiếc, có cả các cơ quan trong hệ thống lập pháp Hoa Kỳ đã phụ họa tích cực cho hành động tiêu cực của các đối tượng cực đoan này. Việc làm đó đã vô tình hay cố ý đi ngược lại Tuyên bố chung mà Chủ tịch nước Cộng hòa XNCH Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ trong năm 2013.

Nói như nhận định của bà Pratibha Mehta, Trưởng đại diện LHQ tại Việt Nam tại Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam (diễn ra ngày 06-8-2013 tại Hà Nội) rằng: Việt Nam đã “tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế, tự đánh giá về tình hình nhân quyền, có nhiều tiến bộ và công khai các dữ liệu về bảo đảm quyền con người, đồng thời, xác định những nhiệm vụ cần làm để cải thiện việc đảm bảo quyền con người”.

Sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là vậy. Những thành tựu, kết quả và nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã làm được để cải thiện quyền con người những năm qua là minh chứng rõ nét nhất về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa qua là một minh chứng không thể phủ nhận những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó càng khẳng định tình hình nhân quyền tại Việt Nam không thể bóp méo, xuyên tạc. Đây cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những tổ chức, cá nhân và cả những ai đang quá mơ hồ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Mọi mưu đồ lợi dụng vấn đề này để kích động, chống phá, đi ngược lại những gì đang diễn ra tại Việt Nam cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Theo Tạp chí QPTD số 12-2013