NHÌN LẠI NĂM 2013:

Ninh Phước: Những thành tựu ý nghĩa trong năm 2013

(NTO) Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2013, đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn đan xen, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm các biện pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, do vậy 13/13 chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện và HĐND huyện giao đều đạt, trong đó một số chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng khá cao so với năm 2012. Trong số những chỉ tiêu vượt kế hoạch, đáng phấn khởi nhất là có tới 5/6 chỉ tiêu kinh tế, trong đó 2 chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người và sản lượng tôm thịt đều vượt kế hoạch trên 13%.

Nông dân xã An Hải mở rộng diện tích trồng nho theo Dự án QSEAP. Ảnh: Văn Miên

Là địa phương có thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, Ninh Phước đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, dù năm 2013 thời tiết không thuận lợi nhưng diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng đều đạt kế hoạch và tăng so với năm 2012. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 22.611 ha, vượt 1,6% kế hoạch năm, trong đó: cây lúa 14.966 ha, năng suất bình quân 61,2 tạ/ha; cây bắp 2.579ha, năng suất 65,4 tạ/ha; cây thuốc lá 35 ha; rau đậu các loại 4.332 ha... Đáng lưu ý là diện tích nho trên toàn huyện đã được nâng lên 279 ha nhờ trồng mới 52 ha thuộc dự án QSEAP tại các xã An Hải, Phước Hậu và Phước Thuận. Tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện ước đạt 108.450 tấn, vượt 1,9% kế hoạch.

Nhắc đến Ninh Phước, phải kể đến những mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao như: lúa giống, bắp lai, rau sạch... Trong năm 2013, các mô hình này tiếp tục được nhân rộng, trong đó huyện đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác liên kết “4 nhà” để tháo gỡ khó khăn và tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Cụ thể, năm 2013, toàn huyện có 982,7 ha lúa sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” với năng suất bình quân đạt 73 tạ/ha, cá biệt có 15 ha tại 2 xã Phước Thái và Phước Hậu năng suất đạt 80 - 90 tạ/ha. Mô hình trồng rau an toàn tại xã An Hải với tổng diện tích là 237 ha/235 hộ đã đem lại lợi nhuận cao hơn so với canh tác truyền thống từ 1,5 đến 3 triệu đồng/ha. 118 hộ tham gia mô hình sản xuất giống Dê lai Bachboer tại xã Phước Hậu với tổng đàn trên 4.000 con, bước đầu sau khi trừ chi phí thu lãi 52 triệu đồng/năm. Các mô hình: kết hợp trồng táo và nuôi vỗ béo dê, cừu ở xã Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hậu; mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học quy mô 1.600 con/6 hộ tại thị trấn Phước Dân, Phước Hữu và Phước Hậu; mô hình nuôi cá nước ngọt 6 ha, mô hình nuôi heo địa phương ở xã Phước Thái; nuôi bò vỗ béo tại xã An Hải; nuôi heo thịt quy mô từ 600-2.000 con/trại tại xã Phước Vinh... đều đạt hiệu quả cao, được nông dân ứng dụng và đang tiếp tục đầu tư nhân rộng.

Hồ chứa nước Lanh Ra (Ninh Phước) với dung tích gần 14 triệu m3
phục vụ tưới hơn 1.700 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Miên
 

Trong năm, diện tích, sản lượng tôm thịt và tôm giống trên địa bàn huyện Ninh Phước cũng tăng cao so với năm 2012 và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng tôm thịt đạt 1.400 tấn, vượt 12% kế hoạch năm; tôm giống đã xuất bán 7.725 triệu con tôm post.15, tăng 8,5% so với năm 2012.

Với những thắng lợi trên, lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản vẫn là thế mạnh của huyện Ninh Phước, với tổng giá trị sản xuất năm 2013 đạt 790,49 tỷ đồng, vượt 5,8% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2012. Toàn huyện có 20 hợp tác xã hoạt động hiệu quả với thu nhập bình quân của mỗi xã viên là 12 triệu đồng/năm.

Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Phước hiện đã có 4 xã: Phước Thái, Phước Vinh, Phước Sơn và Phước Thuận đạt 8/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5-7 tiêu chí. Một diện mạo mới của Ninh Phước phải kể đến trong năm 2013 đó là những công trình đường giao thông nông thôn và nội đồng được bê-tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài số vốn 12 tỷ đồng được tỉnh phân bổ, toàn huyện đã huy động sức dân đóng góp được gần 171 triệu đồng, 315 m3 đất, đá đắp đường và tự nguyện hiến trên 5.000m2 đất để xây dựng các công trình nông thôn mới.

Một góc trung tâm huyện lỵ Ninh Phước ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá là điều kiện thuận lợi để Ninh Phước quan tâm và đầu tư vào các lĩnh vực xã hội, chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,36%. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cán bộ, nhân dân toàn huyện tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tạo động lực thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Những kết quả ý nghĩa trong năm 2013 là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2014 và các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã đề ra.