Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính

Ngày 18-12, hội thảo "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam vẫn đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đòi hỏi nền tài chính phải có sự tiến bộ nhanh hơn hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững để tránh những cú sốc từ bên ngoài.

Những hạn chế của hệ thống giám sát

Theo chuyên gia Roberto Rocha của WB, hệ thống giám sát từ xa của Việt Nam còn có hạn chế do vấn đề thông tin đầu vào thiếu chính xác ảnh hưởng đến các đề xuất. Quy định về phân loại và trích lập dự phòng của Việt Nam vẫn cần được kiểm chứng thêm về tính hiệu quả.

Dưới góc độ cơ quan giám sát tài chính, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính trong thời gian qua.

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng hệ thống thanh tra, giám sát tài chính tuy có bước tiến bộ nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; công tác cải cách hành chính, bộ máy quản lý tài chính trong một số khâu còn thiếu đột phá.

Xóa khoảng trống giám sát

Để khắc phục những bất cập trên, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số vấn đề cần phải triển khai là: Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) lưu ý đến việc khẩn trương triển khai các chuẩn mực an toàn tài chính trên cả 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 và trước thềm hội nhập giai đoạn mới. Minh bạch thông tin về các định chế tài chính, thông tin về quan điểm chính sách.

Còn theo, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, cơ quan thanh tra, giám sát cũng cần được trao thêm thẩm quyền tiếp cận thông tin, điều tra, và tố tụng với một số tội danh trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán để thực sự phát huy vai trò trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi phạm pháp trong lĩnh vực tài chính.

Theo ông Phước, Việt Nam có thể cần xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý về giám sát tài chính quốc gia phù hợp và tương thích với yêu cầu trong giai đoạn mới, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thành viên để tránh chồng chéo và bù lấp khoảng trống giám sát.

Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: Hiện nay không phải là nên chạy theo mô hình giám sát tài chính nào để cho việc giám sát và phối hợp chính sách giám sát có hiệu quả. Thay vào đó, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ thể chế sẽ giúp cho việc giám sát an toàn tài chính cũng như sự phối hợp chính sách giám sát với chính sách kinh tế vĩ mô trở nên hiệu quả và thực chất hơn.

Nguồn www.chinhphu.vn