ĐH Công nghiệp Hà Nội hướng tới đào tạo đa cấp, đa ngành

Chiều 1/11, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm truyền thống (1898-2013), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và khai giảng năm học 2013-2014.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống
của Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương dự Lễ kỷ niệm.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương, chúc mừng những thành tích mà các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã giành được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với trọng trách là một trường đại học lớn của ngành Công Thương, ngành kinh tế đặc biệt quan trọng của đất nước, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại học Công nghiệp Hà Nội phải hướng tới mục tiêu
trở thành một trường đại học ứng dụng tiên tiến, đào tạo đa cấp, đa ngành, chất lượng cao
theo hướng mở, hướng tới người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Theo đó, cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được để hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học ứng dụng tiên tiến, đào tạo đa cấp, đa ngành, chất lượng cao theo hướng mở, hướng tới người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. Muốn vậy phải tập trung đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu xã hội, tiếp cận các chương trình, phương pháp đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế; gắn đào tạo với nghiên cứu chuyển giao công nghệ tạo ra sản phẩm mới; thu hút cán bộ, sinh viên tham gia vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Trường.

Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ cao. Quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên của mình nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng Trường trở thành một trường đại học vững mạnh toàn diện về mọi mặt.

Coi sinh viên là trung tâm của công tác đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện kiến thức, nhân cách, lý tưởng, hoài bão, phát huy năng lực bản thân. Trong đào tạo, nhà trường cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và chăm lo đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn.

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ giảng dậy, nghiên cứu...; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo đa dạng với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm chất lượng học viên đào tạo ra trường có năng lực thực hành ngày càng tốt đáp ứng yêu cầu xã hội, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng tin tưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành tựu, truyền thống tốt đẹp của mình để tiếp tục phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và thu được nhiều thành tích cao hơn trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, phấn đấu vươn lên đạt trình độ tiên tiến quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Thủ tướng thăm hệ thống Phòng thí nghiệm Xung điện của Đại học Công nghiệp Hà Nội.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có tiền thân là 2 trường - Trường Chuyên nghiệp Hà Nội (1898) đổi tên thành Trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội (1913) và Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng. Năm 2005, Trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp thành Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đến nay, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tạo được uy tín với mô hình đào tạo nhiều cấp trình độ: 5 ngành thạc sỹ, 21 ngành đại học, 18 ngành cao đẳng, 14 ngành trung cấp chuyên nghiệp...

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện Trường có 1.728 cán bộ giảng viên, trong đó 216 tiến sỹ, 931 thạc sỹ; 2 Nhà giáo nhân dân, 15 Nhà giáo ưu tú.

Quy mô đào tạo của Trường đạt mức cao với khoảng 50.000 học viên, sinh viên. Cơ sở vật chất của Trường ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiện đại trên diện tích 50 ha. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trong gần 60 năm qua, Trường đã đào tạo trên 200.000 công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư thực hành… cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn cung cấp cho thị trường lao động nước ngoài nhiều lao động kỹ thuật. Đặc biệt, Trường đã năng động, chủ động hợp tác đào tạo hiệu quả với nhiều đối tác quốc tế của Nhật Bản (JICA), Hàn Quốc, Ấn Độ, các tập đoàn lớn như Hồng Hải, Toyota, Siemens… qua đó thu hút được nguồn lực đầu tư quan trọng, khoa học công nghệ tiên tiến…

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Nguồn www.chinhphu.vn