Nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được xây dựng với mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế …

Dự thảo lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung mới 11 điều, bãi bỏ 01 điều, tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung quản lý nhà nước về công chứng; bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên; quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng; làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên; bổ sung một số quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng.

Mở rộng phạm vi công chứng

Ngoài các nội dung kế thừa từ Luật Công chứng năm 2006, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn. Trong đó, sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, theo đó, giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu. Cụ thể, cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự, công chứng viên có quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên, đồng thời cho phép người dân được lựa chọn việc chứng nhận bản dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại phòng tư pháp quận, huyện như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Điều này sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện chứng thực bản dịch.

Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn và cho rằng, việc quy định người dân được lựa chọn giữa việc công chứng bản dịch giấy tờ tại các tổ chức hành nghề công chứng và chứng thực bản dịch tại phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện như đề xuất trong dự thảo Luật, thì vô hình trung lại tiếp tục thừa nhận sự thiếu rành mạch trong việc xác định giá trị pháp lý cũng như phạm vi giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Do vậy, mặc dù giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, nhưng không nên xác định đây là một hoạt động công chứng về nội dung, mà chỉ quy định hoạt động này như một hình thức chứng thực về thủ tục, tương tự như việc các phòng tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đang thực hiện.

Về việc bảo đảm chất lượng của nội dung bản dịch, Ủy ban Pháp luật cho rằng, dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao. Nội dung, hình thức của giấy tờ có yêu cầu dịch thuật cũng như các ngôn ngữ cần dịch rất đa dạng, phức tạp, nhất là trong trường hợp dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Việc yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được yêu cầu dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên (Điều 13 của Luật cũng không quy định thành thạo ngoại ngữ là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chứng viên). Mặt khác, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, dù có sử dụng hình thức công chứng hay chứng thực, để nâng cao chất lượng bản dịch, pháp luật cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của những người làm công việc này. Ví dụ: Cần quy định rõ trách nhiệm của người dịch khi nội dung dịch thuật có sai sót, không đúng với nội dung văn bản gốc.

Nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên

Liên quan đến các quy định về đội ngũ công chứng viên, Dự thảo đã được sửa đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng; làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng.

Cụ thể, Dự thảo Luật nâng thời gian đào tạo nghề công chứng từ 6 tháng lên 12 tháng; quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ; bổ sung quy định người được miễn đào tạo phải tham gia khoá bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này, ví dụ như: Cơ sở nào để kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng từ 6 tháng lên thành 12 tháng?; ngoài việc kéo dài thời gian đào tạo nghề thì còn cần áp dụng các biện pháp nào khác để bảo đảm chất lượng của đội ngũ công chứng viên không?; hoặc cơ sở nào để quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, nhất là đối với công chứng viên là viên chức tại các phòng công chứng hiện nay vì không thống nhất với quy định của Luật Viên chức, của Bộ luật Lao động ...

Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định người được miễn đào tạo nghề công chứng lại phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng 03 tháng thì mới được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, trong khi một số ngành, nghề khác như: luật sư... lại không có quy định này. Quy định như vậy là thiếu nhất quán, không phù hợp.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tổng kết, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trong nhóm này những đối tượng được miễn đào tạo nào có tỷ lệ vi phạm cao, nhằm thu gọn hơn phạm vi các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, bảo đảm những người được miễn đào tạo phải là những người đã có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho việc hành nghề công chứng viên; không nên quy định thêm khóa bồi dưỡng (thực chất vẫn là một hình thức đào tạo ngắn hạn) đối với các đối tượng này như trong dự thảo Luật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam