Tiếp công dân là tiền đề giải quyết khiếu nại, tố cáo

Dự thảo Luật Tiếp công dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng hoạt động tiếp công dân là cơ sở nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chiều 28/10, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tiếp công dân - dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, diễn ra hồi tháng 6/2013.

Tại Kỳ họp thứ 5, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa phân định rõ tính chất tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo với hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức còn lại (như các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị-xã hội...); chưa làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân.

Từ các góp ý trên, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý để bổ sung vào dự án Luật đưa ra Quốc hội thảo luận chiều nay. Nội dung giải trình đã nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu Quốc hội.

Theo giải trình, hoạt động tiếp công dân cần được đặt trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, là tiền đề cho quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Do đó, hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Quy định về việc tiếp công dân cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, dự thảo Luật đã khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và các tổ chức tương đương, cục, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Đối với tiếp công dân mang tính tập trung tại các Trụ sở tiếp công dân, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng gắn hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở này với trách nhiệm của các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở...

Sẽ không còn là “chim đưa thư”?!

Như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, mô hình Trụ sở tiếp công dân hiện nay chỉ như “chim đưa thư”, tức là chuyển kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo của dân đến cơ quan có thẩm quyền mà không thể đôn đốc thực hiện.

Do đó, các đại biểu mong muốn Trụ sở tiếp công dân phải chịu trách nhiệm đến cùng với người dân trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có vai trò như văn phòng một cửa trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh này.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các Ban tiếp công dân là các đơn vị độc lập để trực tiếp quản lý và hoạt động thường xuyên tại các Trụ sở tiếp công dân ở từng cấp. Theo đó, tại Trung ương, Ban tiếp công dân Trung ương trực thuộc Thanh tra Chính phủ. Tại địa phương, Ban tiếp công dân ở tỉnh, huyện trực thuộc UBND cấp tương ứng.

Ban tiếp công dân là cơ quan chủ trì, điều phối, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan trong việc giúp các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương tổ chức và thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

Bên cạnh đó, Ban này còn thực hiện tiếp nhận và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của người có thẩm quyền trong quá trình tiếp công dân; trả lời cho người dân về quá trình xử lý cũng như kết quả giải quyết khi người dân có yêu cầu.

UBTVQH khẳng định: “Việc tổ chức các Ban tiếp công dân sẽ tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần vào quá trình xây dựng và kiện toàn chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh”.

Nguồn www.chinhphu.vn