Chính phủ thí điểm mô hình tổ chức Sở Cảnh sát PCCC là có cơ sở

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

 

Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau
của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tại phiên làm việc này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Luật Phòng cháy, chữa cháy tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các Đoàn ĐBQH tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10, quy định về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát hết những quy định không còn phù hợp, chưa đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của Luật PCCC hiện hành; đồng thời rà soát các nội dung sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất với các luật như: Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Hóa chất, Luật Doanh nghiệp và các đạo luật khác có liên quan được ban hành sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực... để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC. Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, để lại di chứng lâu dài. Vì vậy, việc thông qua Luật PCCC là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong phiên thảo luận chiều nay đã có 16 đại biểu Quốc hội của 15 tỉnh, thành phố phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy; Giáo dục, đào tạo, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình; Phòng, ngừa cháy, nổ đối với vật tư, hàng hóa, công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện hạt nhân, chợ, trung tâm thương mại, kho tàng…; Hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy; Chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; người tham gia chữa cháy; Đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy…

 

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các đại biểu bên hành lang Quốc hội.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Về tổ chức lực lượng và chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát PCCC. Một số ý kiến đề nghị sơ kết việc thí điểm thành lập 8 Sở Cảnh sát PCCC (CS PCCC) để đánh giá hiệu quả; quy định về hệ thống tổ chức lực lượng PCCC và hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở về PCCC; quy định về cơ cấu tổ chức CSPCCC cấp tỉnh; đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức lực lượng CSPCCC như hiện nay; không nên thành lập Sở Cảnh sát PCCC, mà tập trung xây dựng tăng cường lực lượng cho các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC; tăng cường lực lượng PCCC chuyên nghiệp cho cấp huyện và đề nghị xác định cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của lực lượng cảnh sát PCCC là UBND hay Công an; làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát PCCC với lực lượng Công an nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, thời gian qua lực lượng cảnh sat PCCC đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, mô hình tổ chức của lực lượng cảnh sát PCCC từ khi thành lập đến nay chưa được đổi mới để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mới được bổ sung. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ thí điểm mô hình tổ chức Sở Cảnh sát PCCC là có cơ sở, nhưng để đánh giá hiệu quả của mô hình này cần có thêm thời gian, mặt khác vấn đề này sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Công an nhân dân. Về cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC: Hiện nay, lực lượng cảnh sát PCCC là lực lượng vũ trang nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công an nên cơ quan quản lý nhà nước đối với cảnh sát PCCC vẫn thuộc Bộ Công an quản lý, theo đó, vấn đề cơ chế phối hợp giữa Sở Cảnh sát PCCC với Công an cấp tỉnh và các đơn vị thuộc quyền của hai lực lượng là các vấn đề thuộc nội bộ Bộ Công an do Bộ trưởng quy định.

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định về phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân; quy định trang bị PCCC tại nhà máy điện hạt nhân phải đầy đủ và hiện đại, bố trí lực lượng PCCC chuyên ngành, được đào tạo và tập huấn thường xuyên; bổ sung quy định về PCCC khi vận chuyển các vật liệu chứa chất phóng xạ; quy định cụ thể các phương tiện, biện pháp PCCC để bảo đảm an toàn về phóng xạ cho người chữa cháy; quy định phải có phương án, giải pháp PCCC do cấp có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung thông tin về việc PCCC tại các cơ sở hạt nhân khác; ngoài các điều kiện bảo đảm an toàn trong công tác PCCC đã quy định trong dự thảo Luật, cần tuân thủ các quy định có liên quan như các quy định về PCCC của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…

Việt Nam hiện là thành viên của IAEA, vì vậy mọi quy định về an toàn, an ninh hạt nhân cũng như an toàn phòng cháy, chữa cháy đều phải tuân thủ theo quy định của IAEA. UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật Chính phủ trình theo hướng quy định cơ sở hạt nhân thay vì quy định nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm thống nhất với Luật năng lượng nguyên tử, đồng thời quy định cụ thể về yêu cầu xây dựng hạ tầng, nhân lực và lực lượng PCCC chuyên ngành phù hợp với từng cơ sở hạt nhân để bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) đề nghị giao Chính phủ có quy định cụ thể, chi tiết về PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân, vì đây là lĩnh vực mới, được dư luận quan tâm. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng đề nghị cần có chế tài mạnh hơn trong xử lý các vụ cháy nổ để răn đe, phòng ngừa. Vì nhiều trường hợp để xảy ra cháy nổ nghiêm trọng nhưng chẳng biết quy trách nhiệm cho ai; không cá nhân, đơn vị nào bị kết tội cả.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định hướng khắc phục các chợ, trung tâm thương mại, kho tàng và các công trình được xây dựng trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực, không bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đề nghị giao UBTVQH ban hành Nghị quyết về vấn đề này hoặc bổ sung quy định theo hướng khắc phục, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các khu chung cư, khu công nghiệp xây dựng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, (đoàn Hà Tĩnh) đưa ra quan điểm, những vụ cháy điển hình vừa qua như cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, nổ kho thuốc pháo ở Phú Thọ... gợi cho những cơ quan làm luật những quy định mới, bởi tình hình cháy nổ hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với những thập niên trước. Đại biểu Phúc đề nghị Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng – An ninh tổng kết thực tiễn để áp dụng, tuyên truyền. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật trình Quốc hội theo hướng giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính khả thi trong công tác quản lý nhà nước về PCCC.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, tổ chức, người được ủy quyền thực thi nhiệm vụ về PCCC; quy định việc bồi thường, bồi hoàn của các chủ thể này khi để xảy ra cháy và chế tài xử lý trong trường hợp họ không có khả năng bồi thường, bồi hoàn... Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng vì đây là vấn đề bức xúc trước tình hình cháy, nổ phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này đã được nhiều văn bản pháp luật ban hành trong những năm gần đây như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản pháp luật có liên quan quy định cụ thể./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam