Theo đơn phản ánh của CN-LĐ, Công ty Nam Thành áp dụng thang bảng lương 15 bậc, trong đó hệ số lương của mỗi bậc nhân với mức lương tối thiểu rất thấp, việc nâng lương không đúng niên hạn, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động. Một số chế độ phép như tiền đi đường về quê thăm bố mẹ, các chế độ thưởng lương tháng 13 không đầy đủ. Nhiều công nhân thắc mắc vì sao trong suốt thời gian dài Công ty Nam Thành không chi trả chế độ phụ cấp độc hại cho công nhân…
Ông Trần Duy Phương, Đội phó Đội Vệ sinh môi trường Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã chủ trì cuộc họp để tổng hợp kiến nghị của công nhân yêu cầu Công ty Nam Thành phải thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 3: 1.800.000 x hệ số). Hiện Công ty bớt xén tiền bồi dưỡng chế độ độc hại, chỉ áp dụng với mức 1 là 10.000 đồng/ngày là không đúng. Công nhân yêu cầu Công ty phải giải quyết bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật để người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm được thụ hưởng mức 3 là 20.000 đồng/ngày theo Thông tư liên tịch 13 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhằm có đủ điều kiện tái tạo sức khỏe. Các công nhân cũng cho rằng, bảng lương của Công ty chi trả là không đúng, bị bớt xén và giữ lại 80% lương khi phải hưởng chế độ lương khoán; việc đóng BHXH với mức giá thấp là không đúng với hệ số lương tháng, gây thiệt hại cho CN-LĐ…
Ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty Nam Thành cho rằng: Công ty áp dụng thang bản lương 15 bậc theo phê duyệt của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội từ tháng 2-2009 là đúng pháp luật. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định Công ty TNHH phải chi trả phụ cấp độc hại nên Công ty Nam Thành không thực hiện. Việc bồi dưỡng độc hại cho công nhân Đội Vệ sinh Môi trường 10.000 đồng/ngày chỉ là mức tạm tính. Hiện Công ty đang thuê đơn vị chức năng đo kiểm môi trường lao động để có cơ sở áp dụng mức bồi dưỡng độc hại, nếu cao hơn thì Công ty sẽ quyết toán thêm cho người lao động. Công ty đã thay đổi hình thức trả lương theo thời gian bằng áp dụng trả mức lương khoán, và mức lương tháng hiện nay là mức lương tạm tính, thực hiện đóng BHXH cho CN-LĐ là hệ số lương nhân với 1.800.000 đồng…
Tuy nhiên, hiện phương án thực hiện lương khoán vẫn chưa xây dựng xong, trong khi Công ty này đã tạm áp dụng mức lương khoán từ 1-1-2013 không rõ ràng và chỉ tạm ứng 80% lương cho người lao động căn cứ theo mức lương thực lãnh trong năm 2012. Điều này gây khó khăn và bức xúc cho người lao động.
Ông Phùng Văn Nam, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh, cho biết: Vừa qua, đại diện LĐLĐ tỉnh và Ban Giám đốc Công ty Nam Thành đã tổ chức đối thoại với người lao động về những kiến nghị nói trên, nhưng bất thành. Sau đó, người lao động vẫn tiếp tục kiến nghị đòi quyền lợi. Do đó, vấn đề mấu chốt là Công ty Nam Thành phải sớm trình phương án trả lương khoán, cũng như thông qua cho người lao động biết; xác định lại mức độ độc hại, nguy hiểm hằng năm vì mức bồi dưỡng độc hại cho CN-LĐ như hiện nay là không đúng; việc không tổ chức thi nâng tay nghề để nâng lương cho CN-LĐ theo các bậc lương như hiện nay là cần phải xác định lại, tránh để thiệt thòi cho người lao động.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Mặc dù Công ty Nam Thành đã có văn bản trả lời nội dung kiến nghị của tập thể CN-LĐ nhưng xét thấy cần phải thanh kiểm tra để làm rõ trách nhiệm cũng như kịp thời có hướng xử lý, điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành thanh tra toàn diện việc chi trả lương và các chế độ đối với người lao động của Công ty Nam Thành.
Tin rằng, với sự vào cuộc của ngành chức năng, các chế độ chính sách của người lao động sẽ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.
PHÒNG BẠN ĐỌC