NHÌN LẠI 9 THÁNG NĂM 2013:

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013

(NTO) Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của tỉnh, chỉ đạo, điều hành sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương, kinh tế trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu theo đúng hướng.

Trong 9 tháng qua, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 3.409 tỷ đồng, đạt 69,1 % kế hoạch, tăng 12,1 % so cùng kỳ. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân.

Trong phát triển kinh tế, ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục được đánh giá có nhiều bứt phá nổi bật, với giá trị sản xuất trên 1.360 tỷ đồng, đạt 70,5 % kế hoạch, tăng 14,6 % so với cùng kỳ. Trong đó, ngành thương mại tăng 11,5 %, khách sạn-nhà hàng tăng 15,5 %, dịch vụ tăng 16 %. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Xác định thương mại- dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn nên Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cấp hạ tầng thương mại-dịch vụ thông qua việc mở rộng mạng lưới chợ ở các xã, phường, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị rộng khắp. Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, buôn bán.

 
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm phấn đấu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2015. Ảnh: Văn Miên

Không chỉ chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố cũng đã thực hiện tốt Nghị quyết 01, 02/NQ-CP của Chính phủ, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư… Từ đầu năm đến nay, thành phố có 97 DN được thành lập, với số vốn đăng ký trên 260 tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn hiện lên 699 DN, chiếm 41 % số DN toàn tỉnh. Ngoài ra, các địa phương còn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 552 hộ kinh doanh, với tổng số vốn là 61,167 tỷ đồng. Ghi nhận hơn cả là các DN, tổ chức, cá nhân đã phát huy nội lực, linh hoạt thực hiện các giải pháp kích cầu thông qua các hoạt động như tổ chức chương trình khuyến mãi, tham gia bình ổn giá, tăng cường “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tăng điểm bán hàng, mở rộng mạng lưới tiêu thụ…không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà còn tăng doanh thu, tạo cơ sở để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, với các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch cũng đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành thương mại- dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đón gần 611.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách nội địa trên 567.400 lượt, khách quốc tế gần 43.000 lượt, doanh thu đạt 274,8 tỷ đồng.

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, công tác chuyển đổi cơ cấu, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm thực hiện tốt, ngành nông nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 212 tỷ đồng, đạt 79,1 % kế hoạch, tăng 5,1 % so với cùng kỳ.

 
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên

Không chỉ thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, thành phố còn đẩy mạnh huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, y tế… bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Chất lượng giáo dục, chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn thành phố đã có 18/55 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 32,7 %; có 9/16 phường, xã được công nhận đạt chuẩn giáo dục phổ cập mầm non. Thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, chính quyền các cấp phối hợp tạo điều kiện cho 4.625 trường hợp vay tổng số vốn trên 37,4 tỷ đồng để phát triển kinh tế, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập... Thành phố cũng đã giải quyết việc làm cho 3.060 lao động, đạt 61,2 % kế hoạch.

Theo kế hoạch trong năm 2013, thành phố phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế trên 4.936 tỷ đồng, tăng 16,5-17% so năm 2012; trong đó ngành thương mại- dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, với giá trị sản xuất đạt 1.934 tỷ đồng; đào tạo nghề 400 lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho 5.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%. Để thực hiện các mục tiêu này, những tháng cuối năm, cùng với việc tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước, trong đó tập trung ưu tiên các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định phát triển, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển trên địa bàn theo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo dõi, quản lý giá cả thị trường; chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ tăng giá trong thời gian giáp Tết, bảo đảm nhu cầu, lợi ích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, thành phố tích cực đẩy mạnh công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự ; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội gắn với phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.