Ký kết Quy chế liên ngành trong công tác thi hành án dân sự

Ngày 9/10, tại Hà Nội, liên ngành Tư pháp, Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

 Lễ ký kết Quy chế liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đã tới dự và chứng kiến lễ ký kết.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp liên ngành giữa 4 cơ quan nói trên trong công tác thi hành án dân sự (THADS) nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan và bảo đảm nguyên tắc chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác THADS hiện nay.

Quy chế quy định chặt chẽ việc phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan THADS.

Theo đó, trường hợp có căn cứ kháng nghị đối với bản án, quyết định thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao họp bàn về nội dung kháng nghị. Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét và có văn bản trả lời kiến nghị của Tổng cục THADS.

Quy chế cũng nêu rõ trường hợp cơ quan THADS biết thông tin về việc Tòa án, Viện Kiểm sát đã thụ lý đơn yêu cầu xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án theo quy định của pháp luật mà bản án, quyết định của tòa án được thi hành xong thì thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị biết. Nếu nhận được văn bản phản ánh về vướng mắc trong việc thụ lý xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thì Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, làm đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp liên ngành vào tháng 10 hằng năm để tổng kết nhằm đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế, kinh nghiệm, những vướng mắc, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS và trong công tác năm sau.

Quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác THADS.

Quy chế có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2013.

Nguồn www.chinhphu.vn