Chủ tịch nước dự cuộc họp cấp cao Hiệp định TPP

Các nhà Lãnh đạo khẳng định Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực.

Chiều 8/10, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Diễn đàn APEC đã diễn ra Cuộc họp Cấp cao các nhà Lãnh đạo 12 thành viên Hiệp định TPP, gồm Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản,New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Thủ tướng New Zealand. (Ảnh: vov.vn)

Đây là Cuộc họp Cấp cao lần thứ 4 của các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ba năm rưỡi qua kể từ khi đàm phán được khởi động vào tháng 3 năm 2010 nhằm đi đến một hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên TPP, cũng là các thành viên của Diễn đàn APEC.

Các nhà Lãnh đạo đã hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa của việc ba nước Nhật Bản, Canada và Mexico trở thành thành viên của Hiệp định trong năm 2013.

Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” và “Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại Hiệp định Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”.

Các nhà Lãnh đạo khẳng định Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu. Các nhà Lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán theo lộ trình, giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong năm 2013 nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.

Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá của các thành viên cùng quyết tâm thúc đẩy đàm phán. Chủ tịch nước đề nghị cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt, tính đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các thành viên, quan tâm thỏa đáng hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thực thi cam kết nhằm hiện thực hóa những cơ hội và tiềm năng hợp tác mà liên kết này có thể mang lại.

Có thể nói, Hiệp định TPP, cùng với các cơ chế liên kết kinh tế quan trọng khác trong khu vực, như ASEAN, ASEAN với các đối tác, Diễn đàn APEC, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… đang tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển năng động, duy trì vai trò đầu tầu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới của khu vực, tiến tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)./.

Nguồn VOV Online