Mở đường xuất khẩu thực phẩm, rau quả sang các nước EFTA

Khối Thương mại tự do (EFTA) gồm 4 nước là Thụy Sỹ, Norway, Ireland và Licktenstein là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Ngày 1/10, tại Bộ Công Thương diễn ra Hội thảo Giới thiệu hệ thống SPS tại các nước thuộc Khối Thương mại tự do Châu Âu (EFTA), nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hệ thống kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu sang thị trường này.

Khối Thương mại tự do (EFTA) gồm 4 nước là Thụy Sỹ, Norway, Ireland và Licktenstein, là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trung Thực, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA cho biết, để mở cửa thị trường hàng hóa, bên cạnh việc đàm phán cắt giảm và loại bỏ thuế quan, thì đàm phán về kiểm dịch động thực vật (SPS) có vai trò rất quan trọng tạo điều kiện cho hàng nông sản và thủy sản Việt Nam xuất khẩu mạnh hơn sang thị trường các nước EFTA nói riêng và các nước châu Âu nói chung.

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trần Trung Thực cho biết thêm: “Đến nay, ta mới xuất khẩu sang EU chủ yếu là thủy sản. Còn nhiều hàng nguồn gốc động vật khác không xuất khẩu được vì quy trình rất phức tạp. Với rau quả, yêu cầu cũng rất cao. Hiện chúng tôi đang đàm phán giảm thuế và phía EFTA cũng thiện chí, tạo cho hàng hóa Việt Nam quy tắc xuất xứ đơn giản để xuất khẩu sang được. Nhưng nếu các biện pháp kiểm dịch động thực vật mà chúng ta không đạt được tiêu chí đấy thì dù thuế thấp, chúng ta cũng không xuất khẩu được.”

Cơ hội xuất khẩu sang châu Âu là rất lớn, nhưng các nước châu Âu yêu cầu rất cao từ khâu sản xuất chế biến, lưu thông để đảm bảo hàng thực phẩm có chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng. Theo ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Tổng Công ty rau quả nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã từng có trường hợp nhiều lô hàng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang châu Âu, khi thực hiện kiểm tra xác suất, phát hiện một số vi sinh vật gây hại, nên phải dừng xuất khẩu và bị trả về.

Ông Phạm Quốc Thái cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho nông sản, thực phẩm Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu châu Âu: “Đối với các nước EU yêu cầu chất lượng rất cao. Không có cách nào khác là phải đầu tư khoa học kỹ thuật. Muốn hội nhập phải theo quy định chung. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiều chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, hệ thống quản lý ISO càng ngày càng nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Việt Nam muốn kéo ngắn khoảng cách về chất lượng thì phải có quá trình và cần hướng dẫn sản xuất làm sao chuỗi giá trị thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng phải sạch”.

Việt Nam vừa hoàn thành phiên đàm phán thứ 5 của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước trong Khối Thương mại tự do Châu Âu (EFTA). Hiện nay, mức thuế đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EFTA đang ở mức tương đối cao, trung bình gần 19%. Sau khi FTA giữa Việt Nam và khối các nước EFTA được ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thấp cũng như có cơ chế tiếp cận thị trường các nước EFTA tốt hơn, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhiều nước khác.

Nguồn vov.vn