Diện mạo mới của Thuận Bắc hôm nay

(NTO) Từ xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đến nay sau 8 năm thành lập huyện Thuận Bắc, vùng đất cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đã có nhiều đổi thay.

Sau ngày thành lập (10-2005), huyện Thuận Bắc đối mặt với không ít khó khăn. 5/6 xã trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, lên đến 43%. Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Từ thực trạng trên, Huyện ủy, UBND huyện xác định muốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phải tập trung tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương.

 
Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Miên

Tám năm kiên trì với mục tiêu, định hướng phát triển, Thuận Bắc đã tạo ra diện mạo mới. Tốc độ tăng trưởng hằng năm trên hai con số. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đã tăng giá trị trên đơn vị sản xuất, từ 15 triệu đồng/ha năm 2005, lên 60 triệu đồng/ha hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,85 triệu đồng/năm lên 15,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 16%.

Chuyển biến rõ nét nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn được xây dựng, đặc biệt là hồ Sông Trâu có dung tích 10,3 triệu m3 nước và hồ Bà Râu dung tích 4,6 triệu m3, góp phần nâng diện tích trồng trọt từ 6.700 ha lên 10.300 ha. Từ chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với thị trường trên cơ sở ứng dụng khoa học – kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả của Huyện ủy đã làm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản lượng lúa đạt gần 30.000 tấn/năm, tăng 4 lần so với năm 2005. Đối với chăn nuôi, địa phương tập trung phát triển theo hướng trang trại, phát huy lợi thế của Trung tâm Nghiên cứu giống dê, cừu Ninh Thuận để cải tạo đàn gia súc, phát triển nuôi dê lấy sữa gắn với mở rộng đồng cỏ tạo tăng trưởng hợp lý. Đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn khoảng 35.000 con, tỷ lệ bò lai đạt 35%; dê, cừu lai đạt 55%.

Từ huyện thuần nông “trắng” về công nghiệp, thì hiện nay lĩnh vực này tỷ trọng chiếm 52,74%. Với quyết tâm xây dựng huyện thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh, huyện đã có những chính sách thông thoáng kêu gọi đầu tư, từ đó hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất ổn định, như Nhà máy Xi măng Luks, gạch Tuynen, đá Granite, phân vi sinh, Nhà máy Chế biến rau câu Sơn Hải; Nhà máy Sản xuất lắp ráp máy phát điện động cơ diezen và năng lượng tái tạo…

 
Hồ Bà Râu vừa được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Thuận Bắc mở rộng diện tích sản xuất.
Ảnh: Văn Miên

Thuận Bắc dù “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng biết đón nhận cơ hội mới, tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Trên địa bàn hiện đã và đang triển khai các dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, như: Dự án Resort Phước Tiến, Khu Du lịch Bình Tiên, hình thành các điểm du lịch như Ma Trai, Suối Tiên, Kiền Kiền, Ba Hồ…

Đồng chí Hà Anh Quang, nhìn nhận: So với ngày mới tái lập huyện, hiện nay địa phương có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi. Hiện nay các tuyến đường giao thông trên địa bàn từ đồng bằng đến các xã miền núi như Phước Kháng, Phước Chiến đều được trải nhựa và bê-tông hóa. Những năm gần đây địa phương còn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Xây dựng nông thôn mới nên người dân được hưởng lợi nhiều. Các khu dân cư cơ bản có nước sạch sinh hoạt, xóa được nhà tạm. Đồng chí Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, chia sẽ niềm vui: Bà con vùng cao hiện nay hộ nào cũng có nhà xây, có phương tiện đi lại, không còn hộ đói.

Phát huy những thành tựu đạt được, hiện toàn Đảng bộ, nhân dân đang ra sức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch nhanh nền kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp, xây dựng - Nông, lâm, thủy sản - Du lịch, dịch vụ và đến năm 2020 cơ cấu theo hướng: Công nghiệp, xây dựng - Du lịch, dịch vụ - Nông, lâm, thủy sản. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II; trong đó, tập trung phát triển 3 ngành kinh tế chủ lực: công nghiệp, nông nghiệp và thương mại - dịch vụ. Tiếp tục kêu gọi đầu tư hoàn thành Khu công nghiệp Du Long, Suối Đá, hình thành khu trung tâm thương mại phía đông trung tâm huyện, xây dựng các chợ nông thôn miền núi phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và sức mua của người dân. Tập trung phát triển du lịch theo hướng khai thác lợi thế về du lịch biển gắn với hồ Sông Trâu - Ma Trai, sớm đưa Khu du lịch Bình Tiên đi vào hoạt động...

Chỉ mới 8 năm thành lập, chặng đường không dài nhưng đáng tự hào, với khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, Thuận Bắc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận và hiện đã và đang sát cánh cùng với các địa phương trong tỉnh quyết tâm xây dựng huyện nhà nói riêng, tỉnh nhà nói chung ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc:

Trải qua chặng đường 8 năm phát triển kể từ ngày thành lập, huyện Thuận Bắc đã đạt được những kết quả nhất định. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân qua các năm 11,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp-thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Một số công trình hạ tầng kinh tế như thủy lợi, công nghiệp, dịch vụ được đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào ngân sách địa phương. Chăm lo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, tạo diện mạo khởi sắc cho một huyện lỵ “cửa ngõ” phía Bắc của tỉnh.

Từ những kết quả nổi bật nêu trên đã tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ để các cấp chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc tiếp tục xây dựng huyện nhà trở thành vùng trọng điểm du lịch phía Bắc của tỉnh như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 đã định ra.

Đồng chí Đỗ Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải:

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng xã Lợi Hải đã khang trang hơn trước. Tình hình kinh tế-xã hội của địa phương có bước phát triển và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp-chăn nuôi; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống nhân dân Lợi Hải được cải thiện; phấn đấu đến cuối năm 2013 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,62%.

Với vai trò là trung tâm hành chính của huyện Thuận Bắc, Lợi Hải đang trên đường xây dựng chuẩn đô thị loại V vào năm 2015 và trở thành thị trấn của huyện lỵ Thuận Bắc. Để làm được điều này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lợi Hải đã và đang bắt tay thực hiện những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế theo hướng “đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu -thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chuyển dần sang hướng công nghiệp”, đưa tổng giá trị sản xuất tăng 1,5 lần so với năm 2010.

Ông Huỳnh Phượng, Cán bộ Mặt trận thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong:

Người dân huyện Thuận Bắc rất phấn khởi trước những khởi sắc của huyện nhà. Khác với những năm mới thành lập, trung tâm huyện khang trang với công viên, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc của các ngành… Nay trên địa bàn có thêm những khu du lịch được đầu tư, càng làm cho huyện nhà thêm phát triển. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, bộ mặt kinh tế địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Nông dân đã biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển chăn nuôi; hệ thống thủy lợi được đầu tư đúng mức; đường giao thông được bê-tông tạo điều kiện cho phương tiện đi lại và vận chuyển nông sản… Nhờ đó, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt và ngày càng tin tưởng vào sự phát triển của địa phương trong tương lai không xa.