Bế mạc Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 23-9, trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội với thời lượng chương trình lớn (16 ngày), UBTVQH đã thảo luận, chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tại Kỳ họp 6, Quốc hội sẽ bàn bạc, quyết định nhiều nội dung quan trọng, vì vậy, các đơn vị hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội, chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho Kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan của Quốc hội quan tâm tới công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.

Trước khi bế mạc phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Luật Xây dựng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Sau hơn 9 năm thực hiện, Luật xây dựng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật đã bộc lộ hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Vì vậy, việc ban hành Luật xây dựng (sửa đổi) là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát lãng phí, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động xây dựng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng, góp phần phát triển ngành xây dựng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, điển hình của những hạn chế, bất cập có thể nêu ra đó là quy định của Luật Xây dựng (2003) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có sự phân định rõ về trách nhiệm của các chủ đầu tư khác nhau; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng (2003) chưa được phân định rõ theo loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng cũng như còn thiếu các quy định cụ thể để bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí theo từng công trình phù hợp với yêu cầu khách quan của thị trường; quản lý sử dụng các nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng; Quá trình đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng được thể hiện trong các quy định pháp luật về phân cấp quyết định đầu tư, phân quyền đối với chủ đầu tư chưa phù hợp với năng lực, mặt khác chỉ quy định việc hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát dẫn đến những sai phạm, thất thoát, lãng phí lớn...

Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động đầu tư xây dựng. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo Luật gồm 10 chương 150 Điều, tăng thêm 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng năm (2003).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định về hoạt động đầu tư xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng.

Về phạm vi điều chỉnh hiện có hai loại ý kiến khác nhau đó là: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật bao gồm “hoạt động đầu tư xây dựng” vì cho rằng đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Do đó, Luật xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng... với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng chỉ phù hợp khi hệ thống pháp luật của Nhà nước ta chưa có các luật liên quan đến xây dựng như Luật đầu tư, Luật đấu thầu… Hiện nay, hệ thống pháp luật đã dần hoàn thiện. Do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật chỉ quy định về hoạt động xây dựng như là một công đoạn để triển khai thực hiện dự án đầu tư có xây dựng, không bao hàm nội dung đầu tư xây dựng nói chung.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị cần phân định rõ hơn hoạt động đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng vì có nhiều trường hợp hoạt động xây dựng không nhất thiết phải gắn với “quá trình bỏ vốn”. Đồng thời, xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm cả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng và công trình xây dựng để phù hợp với các nội dung đã được quy định trong Dự thảo Luật.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) phải nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm sự quản lý toàn diện, xuyên suốt đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án và hoàn thành xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng; tạo điều kiện và tiền đề để từng bước phát triển và hoàn thiện thị trường xây dựng trong nước gắn với quá trình đổi mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Nhiều ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, Ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xây dựng giai đoạn 2003 – 2012; tổ chức khảo sát thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về xây dựng tại một số địa phương và doanh nghiệp đại diện cho các vùng, địa phương trong nước; tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Qua đó, rút ra những nội dung cần thiết có thể vận dụng trong soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Đánh giá cao những cố gắng của Ban soạn thảo, đồng tình với những điểm mới của Dự thảo Luật lần này, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng còn quá dễ dàng, do đó, nguyên tắc của điều chỉnh quy hoạch cần được quy định hợp lý trong dự án Luật.

Đề cập đến đối tượng quy hoạch, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, vùng là đối tượng quy hoạch nhưng khái niệm vùng chưa được quy định rõ trong Dự thảo Luật và kể cả trong hệ thống pháp luật. Tính khả thi, hiệu quả tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sẽ bị hạn chế nếu đối tượng quy hoạch, chủ thể, trách nhiệm quản lý, phạm vi, nội dung quy hoạch không được xác định rõ ràng. Dự án Luật cần làm rõ nội dung này để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng với các loại quy hoạch khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) rộng, trong đó có nhiều nội dung dành cho Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát để cố gắng quy định ngay trong dự án Luật, hạn chế quy định trong các văn bản dưới Luật.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề cập tới vấn đề bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và nhấn mạnh đây là nội dung người dân đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể và rõ hơn, hiện trong dự án Luật nội dung này vẫn còn chung chung.

Đề cập đến quy định thưởng, phạt và trách nhiệm việc bồi thường, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu dẫn chứng, với công trình đường cao tốc vành đai 3 ở Hà Nội, khi làm xong vượt tiến độ đã đề nghị xin được thưởng 179 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ vài hôm sau, và sau 10 tháng đi vào hoạt động, đường vành đai 3 lại “có vấn đề”.

Về chế độ thưởng, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Luật xây dựng lần này quy định khác luật hiện hành. Luật hiện hành đang quy định mức thưởng không quá 12% phần làm lãi. Nhưng luật mới lại quy định mức thưởng 5% trên giá trị hợp đồng. Theo ông đây là một con số rất lớn, nếu công trình trị giá 10.000 tỷ thì mức thưởng 5% là bao nhiêu? Con số này lớn hơn nhiều so với mức 12% theo quy định hiện hành. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế đề nghị các công trình xây dựng cơ bản nên áp dụng hình thức phạt, còn chế độ thưởng thì không nên.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh và sự liên quan giữa dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với các dự án khác. Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cũng cần rà soát lại các nội dung để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam