Nông dân Chamaléa Hơ: Sản xuất giỏi

(NTO) Anh Chamaléa Hơ ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung là nông dân có diện tích trồng lúa nước lớn nhất ở huyện Bác Ái. Điều đáng nói là, cánh đồng lúa vàng hiện nay trước đây là khu đất gò do anh bỏ nhiều công sức cải tạo thành.

Năm 1999, khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh Hơ được thừa hưởng từ cha mẹ 2 ha đất rẫy. Vì đất khô cằn, thiếu nước, nên sản xuất kém hiệu quả. Liên tiếp nhiều vụ trồng đậu xanh thất bại, khiến cho vợ chồng anh gặp không ít khó khăn. “Nhiều lần tính bỏ hoang, nhưng nghe người lớn khuyên nông dân phải bám đất làm giàu, nên tôi bàn với vợ cải tạo đất rẫy thành ruộng trồng lúa” - anh Hơ nói.

Nông dân trẻ Chamaleá Hơ

Để chuyển đổi cây trồng, anh đã đầu tư công sức đào một con mương dài 100m dẫn nước từ kênh chính về, đắp bờ, san bằng mặt ruộng. Vụ lúa đầu tiên anh sản xuất thử nghiệm 3 sào, năng suất đạt 5 tạ/sào. Nhận thấy trồng lúa có hiệu quả, nên anh mở rộng diện tích dần, sau 5 năm lao động cật lực, cuối cùng anh đã cải tạo được 1,6 ha đất trồng lúa. Anh luôn chịu khó tìm tòi, chọn giống thích hợp với thổ nhưỡng đưa vào sản xuất. Tùy vào tình hình mưa, nắng từng vụ, anh đề ra kế hoạch sản xuất hợp lý. Năm nào mưa nhiều làm 2 vụ lúa, trường hợp nắng nóng kéo dài làm một vụ lúa, một vụ bắp. Vụ đông-xuân vừa qua do mực nước hồ Phước Trung xuống thấp, nên anh chỉ làm 6 sào lúa, diện tích còn lại trồng bắp. Nhờ linh hoạt trong sản xuất, anh thu nhập 60 triệu đồng ha/năm.

Từ sản xuất nông nghiệp, Chamaléa Hơ đã xây được nhà, sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, trở thành hộ gia đình khá giả nhất trong vùng. Chưa thỏa mãn với những gì đạt được, vợ chồng anh đang có tham vọng làm giàu chính trên mảnh đất của mình bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Anh Hơ tâm sự: Vụ lúa hè - thu năm 2012, nhờ được Nhà nước hỗ trợ thực hiện mô hình “Thâm canh lúa nước” trên diện tích 2 sào, nên tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm, cụ thể như dùng máy làm đất thật nhuyễn để hạn chế cỏ mọc, gieo sạ theo hàng để giảm lúa giống, bón phân đúng cách để tăng năng suất. Hiện tôi đã đầu tư mua một máy cày tay phục vụ khâu làm đất để nhân rộng mô hình trên diện tích 1,6 ha trong vụ hè - thu này.

Đồng chí Chamaléa Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Trung, cho biết: Để giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, chủ trương chung của xã là cải tạo đất gò thành ruộng trồng lúa. Việc anh Hơ đi đầu thực hiện thành công chuyển đổi cây trồng có ý nghĩa lớn đã khuyến khích đông đảo bà con ở địa phương học hỏi làm theo. Anh là điển hình tiến tiến trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.