Dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế bằng loại cây cao su được thực hiện đầu tư trồng thí điểm tại địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái với mục tiêu trồng cao su trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong tương lai, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo công ăn việc làm lâu dài cho người lao động… Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cao su đã trồng trên 910 ha, cây trồng đạt tỷ lệ sống trên 95%, sinh trưởng tốt. Qua kiểm tra hàng năm đều vượt trội hơn so với tiêu chuẩn của Tổng Công ty Cao su Việt Nam, từ đó có thể khẳng định cây cao su thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết địa phương. Năng suất mủ khô bình quân thu được trên 2.090 kg/ha/năm.
Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp, các lâm trường trong việc trồng thí điểm cây cao su; đồng chí cho rằng những kết quả đạt được trong việc trồng thí điểm là thành công bước đầu tạo tiền đề cho việc nhân rộng vùng trồng cây cao su trong thời gian tới. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý việc trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh ta cần phải có những bước đi phù hợp về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải đảm bảm bảo được hiệu quả, tính bền vững của cây cao su. Đồng thời đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền các địa phương có biện pháp xác định rõ ràng diện tích trồng cao su để các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển, các ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện việc khảo sát, xây dựng quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn, làm căn cứ khoa học và pháp lý cho việc tổ chức trồng cây cao su mang hiệu quả bền vững...
Ngọc Thảo - Văn Miên