Hoàng thành Thăng Long là công viên lịch sử văn hóa

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được bảo tồn, tôn tạo và trở thành công viên lịch sử văn hóa (LSVH) mở.

Sáng 25-7, tập thể UBND TP Hà Nội đã nghe và đóng góp ý kiến đối với Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (tỷ lệ 1/500).

KTS Vũ Đình Thành, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm đồ án của Thăng Long cho biết, phạm vi nghiên cứu đề án rộng 18 ha, bao gồm cả khu 18 Hoàng Diệu. Mục tiêu chính của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài như là tư liệu lịch sử lâu nhất, minh chứng vô giá về sự hình thành kinh đô Việt Nam.

 
Phối cảnh không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Quy hoạch đề xuất, tại khu vực Cột cờ và Công viên Lê-nin sẽ cải tạo lại đường Điện Biên Phủ để tạo thành một khối thống nhất; khu vực từ Cột cờ đến Đoan Môn sẽ là không gian quảng trường, nơi chờ của du khách trước khi vào tham quan; khu vực từ Đoan Môn vào đến Điện Kính Thiên sẽ di dời trụ sở làm việc của Cục Tác chiến, tạo thành một khối không gian thống nhất.

Quy hoạch cũng đề xuất mở rộng nền Điện Kính Thiên theo hướng hạ giải một số công trình xung quanh, tiến tới quy hoạch lại nền Điện theo đúng giá trị lịch sử. Khu Hậu Lâu sẽ quy hoạch thành không gian trưng bày và lưu trữ các cổ vật. Tại Cửa Bắc sẽ nghiên cứu phục dựng hai lối lên bằng bậc thang như Đoan Môn…

Trong toàn bộ Khu Trung tâm hiện có 119 công trình, Quy hoạch đề xuất bảo tồn nguyên trạng 7 công trình, 19 công trình giữ lại, cải tạo chỉnh trang chuyển đổi chức năng sử dụng và 6 công trình tạm giữ lại. Quy hoạch cũng mở rộng vùng đệm bảo tồn lên 176,6 ha theo khuyến cáo của UNESCO.

Đóng góp ý kiến cho đồ án Quy hoạch, các đại biểu cho rằng đề xuất những công trình bảo tồn, tôn tạo, hạ giải của Quy hoạch cần thống nhất với phê duyệt của UNESCO; bổ sung phương án kết nối du lịch giữa Khu trung tâm Hoàng thành với các điểm du lịch khác của thành phố cũng như phương án bố trí các điểm dịch vụ phục vụ du lịch. Các đại biểu cũng băn khoăn việc Quy hoạch chưa đề cập phương án xử lý sự chồng lấn ranh giới của tuyến đường phía Bắc và phía Đông công trình Nhà Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng trước mắt phải chỉ ra bảo tồn những giá trị nào, về lâu dài thì phục dựng những công trình nào; để phát huy giá trị di tích phải gắn với phát triển du lịch; cần nghiên cứu kỹ hệ thống bãi đỗ xe, các công trình dịch vụ du lịch…

Nguồn Chinhphu.vn