Kiến nghị xử lý trên 14,7 ngàn tỷ đồng sau kiểm toán

Ngày 25-7, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết kiểm toán Nhà nước đang kiến nghị xử lý đối với khoản tiền tổng cộng trên 14,7 ngàn tỷ đồng phát sinh sau kiểm toán.

 Khoản tài chính trên bao gồm 2.184,3 tỷ đồng tăng thu, 2.458,9 tỷ đồng giảm chi, 957,8 tỷ đồng nợ đọng phát hiện tăng thêm...

Thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 15 bộ, cơ quan Trung ương; 28 tỉnh, thành phố; 37 dự án đầu tư xây dựng; 4 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; 18 chuyên đề; 34 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; 20 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh; 4 đầu mối thuộc cơ quan Đảng và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Lê Minh Khái trong buổi họp báo công bố Kế hoạch kiểm toán năm 2013 ngày 21/12/2012. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Kết quả kiểm toán cho thấy trong quản lý điều hành ngân sách, việc sử dụng các khoản tăng thu, dư dự toán và dự phòng ngân sách của ngân sách Trung ương phù hợp quy định. Việc chi sai chế độ, định mức qua kiểm toán giảm dần... Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác lập và giao dự toán, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.

Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước, 6 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chuyên đề huy động vốn và sử dụng vốn tại các công ty tài chính cho thấy: Các đơn vị được kiểm toán cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, điều hành lãi suất dần phù hợp với thị trường, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, quản lý và sử dụng tài sản, nguồn vốn theo quy định.

Song, hầu hết các đơn vị được kiểm toán có lợi nhuận không cao hoặc giảm so với năm 2010. Một số đơn vị không đảm bảo một số tỷ lệ an toàn tại nhiều thời điểm. Một số hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm việc hạn chế, không khuyến khích đầu tư, cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Hiệu quả của các khoản đầu tư, góp vốn liên doanh, liên kết còn thấp và có nguy cơ mất vốn cao...

Theo ông Lê Minh Khái, 5 vụ việc được Kiểm toán Nhà nước chuyển sang cơ quan điều tra liên quan đến những sai phạm tại: Ban quản lý dự án Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên (quyết toán sai khối lượng hơn 3 tỷ đồng tại 2 công trình cấp nước liên xã); công ty cổ phần lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (ứng trước 143 tỷ đồng nhưng không mua được gạo); công ty tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (trong sử dụng vốn vay của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)...

Về kiểm toán việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế, ông Lê Minh Khái cho biết: Qua kiểm toán, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi hơn 6,4 tỷ đồng và kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát số thẻ cấp trùng của toàn bộ 63 tỉnh, thành. Việc cấp trùng xảy ra nhiều, có tỉnh đã rà soát nhưng vẫn sai, gây thiệt hại ngân sách và ảnh hưởng tới Quỹ bảo hiểm y tế; không loại trừ trường hợp đối tượng sử dụng nhiều thẻ để trục lợi bảo hiểm. Việc này cần phải rà soát thêm để phù hợp với thực tế.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN