KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO (1/8/1930 - 1/8/2013):

Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo

(NTO) Trải qua 83 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau, có sự điều chỉnh, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, nhưng bất cứ giai đoạn nào, công tác Tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể qua từng giai đoạn cách mạng.

Phan Đình Hòa
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đồng chí Phan Đình Hòa
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Các thế hệ những người làm công tác Tuyên giáo rất tự hào dù trong bất kỳ giai đoạn nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn có khát vọng vươn lên, đem hết tâm sức, trí tuệ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong những năm qua, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo tỉnh nhà đã thực sự trở thành cầu nối vững chắc để chuyển tải các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với dân, làm cho dân hiểu, dân tin và hăng hái thực hiện.

Trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của lực lượng chuyên trách làm công tác Tuyên giáo và các binh chủng trong Ngành ngày càng được nâng cao. Đội ngũ báo cáo viên được củng cố, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên được chú trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Với lịch sử 83 năm hoạt động, công tác Tuyên giáo của Đảng đã xây dựng cho mình một truyền thống quý báu: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Từ thực tiễn, chúng ta hiểu rõ rằng, sức sống và hiệu quả của công tác Tuyên giáo phải thực sự bắt nguồn từ việc thường xuyên nâng cao tính chính trị, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính giáo dục và thuyết phục; lý luận gắn liền với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm. Những năm gần đây, chúng ta đã có nhiều cố gắng đáng kể nhưng những gì đạt được còn chưa đủ. Không phải ngẫu nhiên mà trong khi nói đến những mặt còn hạn chế, Đại hội XI của Đảng đã đề ra yêu cầu phải: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng". Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) cũng đòi hỏi : "Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp theo tinh thần Nghị quyết này".

Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Tuyên giáo không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là mệnh lệnh của bản thân cuộc sống ngành Tuyên giáo hiện nay. Với các Nghị quyết Trung ương 3,4,5,6,7 mới đây và các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, hai nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt đang nổi lên như là những nhiệm vụ mang tính thời sự nóng hổi. Về phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề được đặc biệt quan tâm là: chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế. Về xây dựng Đảng, ba vấn đề cấp bách được nêu lên có liên quan đến cả ba lĩnh vực chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và phương thức lãnh đạo.

Từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng, công tác Tuyên giáo cần nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, tổ chức của Đảng, đủ sức giải quyết những vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn đặt ra. Công tác Tuyên giáo góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, khẳng định và bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường đối ngoại.

Toàn ngành Tuyên giáo của tỉnh nhà cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và tham mưu cho cấp uỷ ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội đặt ra; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học, giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội, bức xúc của địa phương...

Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, phản ánh những nỗ lực và thành tựu mà các đảng bộ, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã đạt được; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tập trung cao cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc gắn với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020.

Kỷ niệm 83 năm ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta "Ôn cố tri tân", là dịp để thấy sự đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức công tác tư tưởng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác quan trọng này, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, phấn đấu vì mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".