CPI tháng 7 tăng 0,27%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27% so với tháng trước; tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 2,68% kể từ đầu năm nay.

Đây là mức tăng cao hơn so với mức 0,05% của tháng 6/2013, với 10/11 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính viễn thông giữ nguyên mức giá. Chỉ số giá tăng mạnh nhất là nhóm giao thông 1,34%.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết nguyên nhân nhóm giao thông có chỉ số giá tăng là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu được điều chỉnh 2 đợt (vào ngày 14 và 28/6/2013), khi mỗi lít xăng tăng 780đ/lít, dầu diesel tăng 590đ/lít, làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,38% so với tháng 6, đóng góp vào mức tăng CPI chung là 0,09%. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ giao thông công cộng tăng, cụ thể: giá vé tàu hỏa tăng 5,06%; giá vé ô tô khách tăng 2,9% trùng với kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua.

Mức tăng cao thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,43%, do giá điện sinh hoạt tăng 0,37%, nước sinh hoạt tăng 0,31%. Giá gas tháng 7 tăng do ảnh hưởng của giá gas thế giới tăng mạnh nên các hãng gas trong nước điều chỉnh giá tăng 2,13%; giá dầu hỏa tăng... Riêng giá các loại vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) giảm nhẹ do lượng tồn kho nhiều và nhu cầu xây dựng chưa tăng.

Nhóm hàng có quyền số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%. Trong nhóm này, mặt hàng lương thực vẫn giảm 0,3%, trong khi hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng lần lượt là 0,18% và 0,2%.

Phân tích cụ thể về nhóm hàng này, Vụ Thống kê giá cho biết sau 4 tháng liên tục giảm (kể từ tháng 2/2013), chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm đã tăng trở lại do thời tiết nắng nóng làm tăng nhu cầu tiêu dùng rau quả, thủy hải sản tươi sống, bên cạnh đó, những đợt mưa lớn gây úng ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau xanh bán ra thị trường giảm đáng kể, làm giá rau xanh tăng 1,52%.

Riêng giá thịt lợn giảm 0,16%, giá gia cầm tươi sống giảm 0,33%. Cụ thể, giá bán lẻ thịt mông sấn hiện từ 70.000-80.000 đ/kg (giảm 1.000-2.000 đ/kg); thịt nạc thăn từ 83.000-87.000 đ/kg (giảm 1.000-2.000 đ/kg).

Trong tháng 7, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng nhẹ, ở mức 0,05%, nhưng nếu tính từ đầu năm, nhóm hàng này đã tăng tới 13,94%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,29%...

Không tính trong chỉ số CPI, giá vàng và giá USD lại diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận các mức giảm 6,28% và tăng 0,68 % so với tháng trước. Nguyên nhân chỉ số giá USD tăng là do Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND/USD từ ngày 28/6/2013 từ mức 20.828 đồng lên 21.036 đồng. Với mức điều chỉnh này, trần tỷ giá tăng lên 21.246 đồng và tỷ giá sàn là 20.826 đồng. Hơn nữa, do trong tháng 7 các doanh nghiệp bắt đầu có nhu cầu nhập nguyên liệu để sản xuất, cộng thêm đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác nên giá USD ở thị trường tự do cũng tăng theo, bình quân ở mức 21.700 VND/USD.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tăng nhẹ vào tháng 7 tiếp tục tăng nhẹ có thể coi là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế thời gian qua. Tuy nhiên, trong sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết, nhất là vấn đề giải phóng hàng tồn kho.

Nguồn www.chinhphu.vn