Đổi mới công tác dân vận qua thí điểm mô hình tổ dân vận thôn, khu phố

(NTO) Tỉnh ta có 65 xã, phường, thị trấn (trong đó có 25 xã đặc biệt khó khăn) với 402 thôn, khu phố. Địa bàn thôn, khu phố có vị trí quan trọng trong đời sống và hoạt động của cộng đồng dân cư cho nên việc thành lập Tổ dân vận ở thôn, khu phố có ý nghĩa rất cao. Thời gian thực hiện tuy mới 1 năm nhưng chủ trương thí điểm mô hình Tổ dân vận ở thôn, khu phố đang xác lập hướng đổi mới của công tác dân vận.

Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm mới đầu tiên có thể thấy rõ qua chọn địa bàn; mỗi huyện, thành phố đã chọn 3 thôn, khu phố bảo đảm đại diện các vùng như: Đồng bằng, miền núi, vùng biển, dân tộc, tôn giáo. Đảng uỷ các xã, phường, thị trấn được chọn điểm theo đó ra quyết định thành lập, đồng thời ban hành quy chế hoạt động của Tổ Dân vận thôn, khu phố.

Qua phong trào “Dân vận khéo”, thanh niên xã Hoà Sơn (Ninh Sơn)
tích cực tham gia tu bổ đường góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo cơ cấu tổ chức, Tổ Dân vận thôn, khu phố có từ 9-10 thành viên, thành phần và chức danh gồm: Bí thư Chi bộ thôn, khu phố làm Tổ trưởng; Trưởng thôn, khu phố làm Tổ phó. Các thành viên là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi và Bí thư Chi đoàn, công an viên, người có uy tín, chức sắc, Tổ trưởng tổ Tự quản, Ban phong tục. Đến cuối tháng 7-2012, các huyện, thành phố đã tiến hành xong việc thành lập thí điểm và tổ chức lễ ra mắt Tổ Dân vận ở 21/21 thôn, khu phố theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra các huyện, thành phố đã chỉ đạo thành lập thêm 4 Tổ Dân vận ở các địa phương, nâng tổng số Tổ Dân vận thôn, khu phố đã thành lập trong toàn tỉnh lên 25 tổ.

Sau một năm Tổ Dân vận được thành lập thí điểm và đi vào hoạt động, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Chi bộ, công tác dân vận ở thôn, khu phố đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Điểm nổi bật của các Tổ Dân vận thôn, khu phố là đã có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào “Dân vận khéo” thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” như: Vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn ngày một phát triển mới. Điển hình như Tổ Dân vận thôn Phước An 1, xã Phước Vinh (Ninh Phước) tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo và trực tiếp vận động nhân dân tham gia vào xây dựng đề án, quy hoạch nông thôn mới; tham gia góp công, góp của vào xây dựng hạ tầng như đường giao thông nông thôn với chiều dài 1.600m, tổng giá trị 2,2 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 60%, vận động nhà thầu 20%, vận động nhân dân đóng góp 20%. Tổ Dân vận thôn Thạch Hà 1, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) tích cực vận động nhân dân vệ sinh môi trường, đóng góp công sức làm 200m đường giao thông nội thôn; tổ chức hoà giải thành 16 vụ mâu thuẫn. Tổ Dân vận thôn Ma Hoa, xã Phước Đại (Bác Ái) tích cực vận động nhân dân hiến hơn 4.000 m2 đất để làm đường nội đồng và vận động học sinh đến lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học cách nhật. Tổ Dân vận thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) vận động nhân dân hiến gần 500 m2 đất để xây dựng mương tưới nội đồng và xây dựng Trạm bơm. Tổ Dân vận thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm (Thuận Nam) xây dựng 19 tổ đoàn kết với 76 tàu thuyền và 7 tổ dân quân cơ động biển với 26 người tham gia.

Điều đáng chú ý là vai trò của tổ trưởng, tổ phó và các thành viên trong được thể hiện rất rõ nét qua việc chỉ đạo, quán xuyến các hoạt động như: Triệu tập, chủ trì, tổ chức, duy trì các cuộc họp giao ban định kỳ, xây dựng chương trình. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của quy chế đã đề ra, Tổ Dân vận thôn, khu phố đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân; tạo sự đồng thuận về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, Tổ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đơn thư khiếu kiện, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để kịp thời báo cáo chi uỷ, đề xuất giải pháp, trực tiếp đối thoại với nhân dân. Nhờ đó, công tác vận động, hoà giải ở cơ sở; vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở… ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả.

Từ kết quả đạt được qua 1 năm thí điểm, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các huyện, thành uỷ tiến hành triển khai nhân rộng mô hình Tổ dân vận ở thôn, khu phố. Việc nhân rộng mô hình này là cần thiết, qua đó sẽ giúp đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển.