Lúa lai Q5 “tỏa hương” trên ruộng bậc thang ở thôn Đá Hang

(NTO) Vụ đông - xuân vừa qua, Dự án Xây dựng hệ thống canh tác nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Raglai tại thôn Đá Hang và Cầu Gãy tiếp tục triển khai thử nghiệm giống lúa lai Q5 trên diện tích 4 sào tại thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Đến nay, qua 5 vụ sản xuất thử nghiệm, có thể khẳng định giống lúa mới này thích hợp với ruộng bậc thang ở địa phương.

Giống lúa lai Q5 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố có ưu điểm kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn (90 ngày), lá đứng và cứng, trổ bông đều, bông dài nhiều hạt. Đây là giống lúa có ưu điểm vượt trội, nhưng lâu nay chỉ được sản xuất ở đồng bằng.

 
Lúa lai Q5 tỏa hương trên ruộng bậc thang ở thôn Đá Hang.

Trước đây, bà con có tập quán “chặt cây, đốt, trỉa hạt”, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên mùa màng bấp bênh. Gần đây, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND xã Vĩnh Hải, các hộ đã đưa vào sản xuất giống lúa TH6, ML48, nhưng năng suất bình quân qua các vụ chỉ đạt 3 tạ/sào. Từ những khó khăn đó, nên để việc triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả, cơ quan chủ trì Dự án (Văn phòng UBND tỉnh) đã làm tốt khâu tập huấn kỹ thuật canh tác; trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con đắp bờ giữ nước, làm đất kỹ hạn chế cỏ dại mọc. Tất cả các khâu từ cày đất, sạ giống, bón phân, nhổ cỏ… đều có cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống ruộng giúp bà con theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, đến khi lúa trổ bông bắt đầu chín tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình.

Do tuân thủ quy trình kỹ thuật, nên trong suốt thời gian sinh trưởng 90 ngày của vụ đông - xuân vừa qua cũng như các vụ trước lúa không bị sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ/sào, cao hơn ruộng đối chứng 3 tạ/sào. PGS.TS. Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tham gia thực hiện Dự án, nhận xét: Giống lúa lai Q5 đã “tỏa hương” trên ruộng bậc thang ở thôn Đá Hang. Vụ hè-thu này, Dự án tiếp tục hỗ trợ thêm 3 hộ thực hiện mô hình, hướng tới mục tiêu là tất cả các hộ dân trong thôn đều được hưởng lợi từ Dự án.

Thôn Đá Hang, nơi tập trung sinh sống của 60 hộ đồng bào Raglai. Đây là thôn thuộc vào diện đặc biệt khó khăn của xã Vĩnh Hải, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào làm rẫy, do ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu, nên năng suất cây trồng thấp. Việc thực hiện thành công mô hình giống lúa lai Q5 có ý nghĩa lớn, đã chuyển giao kỹ thuật canh tác cây lúa nước cho bà con địa phương, nâng cao năng suất cây trồng, giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ.