Vấn đề hôm nay:

Hãy biết nói lời yêu thương!

(NTO) Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nên nhân cách của con người. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Từ đó, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách… nhằm tạo điều kiện để gia đình phát triển.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của xã hội, cấu trúc của gia đình đã có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều vấn đề mới khác xa với gia đình truyền thống trước đây như ly hôn nhất là trong giới trẻ ngày càng tăng, hiện tượng kết hôn với người nước ngoài khá phổ biến… Cùng với đó là tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành đối với trẻ em… diễn biến phức tạp, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, ngược lại mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình tăng lên… Các yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của gia đình, tác động xấu đến ổn định của xã hội nói chung.

Gia đình Ngọc Thức - Tuyết Ánh biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2013.
Ảnh: Sơn Ngọc

Mặc dù nằm trong tình trạng chung như đã nêu trên, nhưng trong những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được tỉnh ta triển khai sâu rộng ở các địa phương thông qua các tiêu chí cụ thể như: xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương… qua đó, góp phần phát huy được tiềm năng to lớn của gia đình, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Theo thống kê, nếu như giai đoạn từ năm 2000-2007 số hộ được xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa bình quân toàn tỉnh đạt 65% thì đến giai đoạn 2007-2012 bình quân đạt trên 80% và dự kiến năm 2013 này sẽ tăng lên với tỷ lệ trên 83%.

Để gia đình thực sự là “tế bào” đầy sức sống và lành mạnh của xã hội, đủ sức "đề kháng" với mặt trái tiêu cực của xã hội, tránh bị “bào mòn” bởi sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, uy hiếp trực tiếp đến hạnh phúc gia đình… yêu cầu đặt ra là mỗi gia đình cần phải xây dựng thực sự trở thành tổ ấm và từ tổ ấm này mà mỗi thành viên luôn biết “kính trên, nhường dưới”, luôn nhắc nhở nhau làm điều hay lẽ phải, có đầy đủ trách nhiệm với gia đình và xã hội và phải luôn biết nói lời yêu thương. Như Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ:

“...Gia đình là hạt nhân của xã hội, là tế bào của cộng đồng dân cư, do đó người người, nhà nhà phải cùng chăm lo vun đắp xây dựng mái ấm ấy ngày càng ấm áp, hạnh phúc vững bền”.