Cảnh báo về bệnh cúm

(NTO) Y học thường chia ra các loại cúm như cúm thường và các dạng cúm nặng như Cúm A (H1N1), Cúm A (H5N1) và Cúm A (H7N9). Trên thực tế khi bệnh cúm mới phát thật khó phân biệt bệnh cúm thường và cúm nặng.

Bệnh cúm thường lây nhiễm trực tiếp từ người sang người qua giọt nước nhỏ bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Triệu chứng chung của bệnh cúm thường là khởi phát sốt đột ngột 39oC – 40oC, có thể kèm ớn lạnh, lạnh run, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt nhọc, kiệt sức, ho vài tiếng trong 2 – 3 ngày đầu.

Sang giai đoạn toàn phát có 3 hội chứng:

- Hội chứng nhiễm trùng: biểu hiện sốt cao liên tục 39 – 40oC, mặt đỏ, mạch nhanh, lưỡi trắng, biếng ăn, táo bón, tiểu ít và vàng. Có khi chảy máu cam.

- Hội chứng đau: biểu hiện nhức đầu dữ dội và liên tục, tăng khi sốt cao, khi ho; thường đau nhiều vùng trán và quanh hốc mắt. Đau khắp mình mẩy, đau nhiều vùng thắt lưng và chi dưới.

- Hội chứng hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, cảm giác khô và đau rát họng; ho khàn tiếng của viêm thanh quản hoặc ho có nhiều đàm của viêm phế quản.

Có khi kèm theo tiêu chảy.

Thông thường sốt kéo dài 2 – 5 ngày rồi giảm đột ngột, tiểu nhiều, các triệu chứng đau nhức, viêm họng đỡ dần sau 7 – 10 ngày. Thời kỳ lại sức kéo dài với biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ.

Nhưng nếu bệnh cúm mà có xuất hiện các triệu chứng: đau ngực, khó thở (thở nhanh nông, thở rít, thở hổn hển, co kéo lồng ngực), hoặc bệnh nhân hết sốt rồi lại sốt tăng nhanh và khó thở là có nguy cơ bị cúm nặng phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những đối tượng dễ mắc bệnh cúm nặng là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như: bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh suy thận mạn, các bệnh suy giảm miễn dịch...

Cách xử trí và phòng bệnh cúm:

1/ Cách xử trí với bệnh cúm thường:

- Bệnh nhân hạn chế tiếp xúc và phải chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol 15mg/kg x 4 lần/ ngày; cho uống nhiều nước và nước trái cây như cam, chanh... ăn thức ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng để nâng sức đề kháng; nghỉ ngơi. Không tự ý dùng kháng sinh. Nếu bệnh nhân là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng thì nên đưa đến cơ sở y tế khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

2/ Cách xử trí với bệnh cúm nặng:

Nếu bệnh nhân mắc cúm mà có dấu hiệu đau ngực, khó thở là nên đưa ngay đến bệnh viện ngay để chẩn đoán, điều trị kịp thời và cách ly đúng quy định, không được điều trị tại nhà và vệ sinh gia đình theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

3/ Phòng bệnh cúm:

- Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng. Thường lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường để loại trừ mầm bệnh, vì virus cúm có thể sống sót ở môi trường bên ngoài từ 2 đến 8 giờ;

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi chăm sóc trẻ và sau khi tiếp xúc với các vật dụng;

- Không khạc nhổ bừa bãi, nên dùng khăn tay hoặc khăn giấy hoặc tay che miệng khi ho khạc, hắt hơi.

- Thường súc miệng bằng nước muối, nuớc sát khuẩn.

- Mặc đủ ấm khi trời lạnh.

Đồng thời chúng ta cũng cần luôn cảnh giác với bệnh Cúm A (H5N1) và Cúm A (H7N9) là không ăn tiết canh, trứng, thịt gia cầm chưa nấu chín; không giết mỗ, ăn thịt gia cầm, gia cầm chết hoặc gia cầm không rõ nguồn gốc; khai báo ngay khi có gia cầm bệnh, chết hàng loạt; hạn chế tiếp xúc với gia cầm và phải rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc với gia cầm.