Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, công tác giáo dục đạo đức trong học sinh, sinh viên (HSSV) trong những năm qua đã có những đổi mới, tiến bộ và thu được kết quả đáng kích lệ. Nhiều tấm gương trong học tập, học sinh nghèo vượt khó, tấm gương trong các hoạt động cộng đồng, rồi còn có cả những tấm gương hi sinh thân mình vì việc nghĩa làm lay động chúng ta.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, bên cạnh những thành công đó thì thời gian qua, bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp, diễn biến mới. Bộ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân của tình hình này do đặc điểm tâm lý lứa tuổi các cháu đang ở trong lứa tuổi mới lớn, muốn tự khẳng định mình, hiếu động. Nguyên nhân thứ hai, do sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo các mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Nguyên nhân thứ ba, hành vi bạo lực xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong cộng đồng, rồi xuất hiện tràn ngập trong phim ảnh, internet, sách báo cũng tạo nên khó khăn trong việc giáo dục đạo đức cho các cháu.
Về góc độ phía nhà trường và ngành giáo dục, Bộ trưởng cho rằng phương pháp và nội dung giáo dục đạo đức cho HSSV thì còn hạn chế, chưa tạo được sự lôi cuốn, chủ động, chưa tạo được sự xúc cảm cho các cháu. Giáo dục đạo đức, lối sống bằng cách nêu gương tốt của những người xung quanh, của các thầy cô giáo, trong xã hội chưa được nhiều. Sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý HSSV, đảm bảo môi trường an ninh cho các cháu học tập cũng như rèn luyện chưa được chặt chẽ, giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu, còn thiếu nhiều các điều kiện cần thiết như công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã có sự quan tâm bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết ngành GD&ĐT trước hết chủ động đổi mới nội dung phương pháp dạy, học, thi cử trong đó có môn liên quan vấn đề đạo đức, giáo dục công dân, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, lối sống cho HSSV. Bộ GD&ĐT đã lồng ghép trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tuổi trẻ, cùng với đó là cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tấm gương tự học, sáng tạo. Bằng những tấm gương thực tiễn của các thầy cô giáo, bằng hành động cụ thể của các thầy cô giáo trong nhà trường để lôi cuốn, thuyết phục các cháu. Việc này được triển khai đồng thời trên hai hướng, một mặt biểu dương những tấm gương tốt trong ngành mặt khác xử lý nghiêm những việc làm sai trái.
Bên cạnh đó, hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai mạnh mẽ thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm tiêu cực, trục lợi trong các cơ sở giáo dục đào tạo, và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm cho môi trường giáo dục ngày càng trong sạch, để qua đó hình thành nhân cách của các cháu.
Hướng thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục giảm tải, đổi mới nội dung dạy học và thi. Trong kỳ thi vừa qua, đề thi văn, thi địa được dư luận đánh giá cao. “Rất nhiều bài thi văn năm nay mực nhòe do nước mắt của người viết và cả nước mắt người chấm thi. Đây không còn là bài thi mà là bài học bổ ích cho học sinh. Qua đó, bước đầu có kết quả trong việc góp phần nhân được cái tốt, đẩy lùi cái xấu” – Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng đồng thời với việc chỉ đạo đổi mới nội dung dạy và học, thi cử thì Bộ GD&ĐT đã chủ động tăng thời gian ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Bộ đã ban hành, hướng dẫn chi tiết về thực hiện chương trình ngoại khóa ngoài giờ lên lớp phù hợp từng lứa tuổi, từng cấp học, từng địa phương theo chủ đề và thời gian để giúp cho việc học văn hóa, cũng như việc rèn luyện sức khỏe và nhân cách của các cháu được đồng bộ với nhau.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tích cực đẩy mạnh thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo phương châm phát huy tổng hợp nguồn lực sức mạnh của nhà trường, của xã hội, của các tổ chức xã hội, đoàn thể để chăm lo rèn luyện cho các cháu. Mới đây, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL cùng với Trung ương Đoàn, Hội phụ nữ Việt Nam đã tiến hành ký kết phối hợp để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn phong trào thi đua này.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam