Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: TTXVN)
Sau khi đại biểu thảo luận ở Đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo, giải trình, tổng hợp tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; được chuẩn bị chu đáo, thận trọng; được thực hiện, nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong thời gian hai năm qua, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là những khó khăn khách quan chung của tình hình thế giới và trong nước. Do đó, việc đánh giá cần có sự cân nhắc kỹ, gắn với tình hình thực tiễn, khó khăn khách quan, sự chuyển biến tình hình trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vì đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện Nghị quyết về vấn đề này nên không tránh khỏi những mặt còn hạn chế. Do vậy, UBTVQH sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng để trình Quốc hội (nếu cần thiết), để bổ sung hoàn thiện Nghị quyết 35 của Quốc hội nhằm làm tốt hơn cho những lần lấy phiếu tiếp theo.
Quốc hội đã biểu quyết tán thành (đạt 97,99%) bầu Ban kiểm phiếu gồm 29 đại biểu Quốc hội do ông Đỗ Văn Chiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái làm Trưởng Ban.
Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã nghe ông Đỗ Văn Chiến - Trưởng Ban Kiểm phiếu trình bày thể lệ và hướng dẫn cách thức lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Cuối giờ chiều, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam