Thu hồi đất tràn lan sẽ gây bức xúc trong nhân dân
Khoản 3, Điều 58, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định, việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai minh bạch, công bằng và do luật định.
Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các vị đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng trong tình hình hiện nay việc quy định đất đai các tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp. Tuy nhiên về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Trần Hồng Hà đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia và vì lợi ích công cộng. “Không quy định thu hồi đất vì lý do các dự án phát triển kinh tế - xã hội bởi vì các dự án phát triển kinh tế - xã hội đều nhằm đến mục đích cao nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích của nhân dân. Đồng thời ngăn chặn tình trạng thu hồi đất tràn lan dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, sử dụng đất không hiệu quả gây nhiều bức xúc đối với nhân dân trong thời gian vừa qua.” – đại biểu Hà phân tích.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng cho rằng đối với việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải khoanh lại cho rõ tức là "chỉ xác định đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng", thêm từ "có ý nghĩa quan trọng". Đối với các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội khác thì để tạo quỹ đất nhà nước có thể sử dụng các chính sách, công cụ về quy hoạch tài chính thị trường v.v... để điều chỉnh định hướng tránh việc quá nghiêng về việc sử dụng biện pháp hành chính.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) cũng đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cân nhắc quy định việc thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng cho các dự án phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm tính khả thi, tính hợp lý của điều luật. Đại biểu đề nghị nên tách thành một khoản mục, nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện các dự án phát triển kinh tế và cần có chế định, việc thu hồi đất cần công khai, minh bạch, công bằng, có sự đồng thuận của người có quyền sử dụng đất, có đất bị thu hồi. Đồng thời Nhà nước đảm bảo ổn định đời sống của người có quyền sử dụng đất, có đất bị thu hồi, với lý do đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng có hiệu quả và thực tế nhiều năm qua góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo được nguồn lực quốc gia để điều tiết thu nhập, phục vụ cho các chương trình an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đóng góp quan trọng từ các dự án kinh tế có thu hồi đất của các tổ chức và cá nhân đang sử dụng. Để đảm bảo quyền lợi của công dân, đại biểu này đề nghị nên quy định việc bồi thường đất bị thu hồi vì mục tiêu kinh tế cần xem xét giá trị bồi hoàn phải đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước nhằm tránh sự xung đột quyền lợi và tạo khiếu kiện trong dân. “Thực tế trong thời gian qua, sự khiếu nại trong dân liên quan đến quyền sử dụng đất đa phần xuất phát từ việc thu hồi đất, giải quyết bồi hoàn chưa thỏa đáng thiếu hợp lý từ những dự án phát triển kinh tế có thu hồi đất đang sử dụng của dân, ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống của người bị thu hồi đất gây phản ứng và bức xúc trong nhân dân.” – đại biểu Thanh phân tích.
Đề xuất cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị xem lại việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu thực chất đó là chuyển quyền sử dụng đất là tài sản của chủ thể này sang chủ thể khác. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản sở hữu được pháp luật bảo hộ, được khẳng định vì vậy chỉ có thể sử dụng các hình thức là trưng mua, chuyển đổi khác. Mặt khác, quy định này dễ bị lạm dụng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua.
Đại biểu lý giải, để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc thu hồi đất, cần có quy định các hình thức khác nhau vì theo tình hình thực tế người được giao quyền sử dụng đất đó là loại đất thổ cư gắn với nhà ở, loại đất giao có thời hạn, loại đất thuê có thời hạn để sử dụng hình thức như đấu giá, trưng mua phù hợp.
Cũng quan tâm tới vấn đề thu hồi đất, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” và cụm từ “thu hồi” được thay thế bằng “trưng mua”. Bởi theo đại biểu dự thảo đã có quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, do vậy chỉ nên thu hồi khi có vi phạm về quyền sử dụng đất, còn lại nhà nước cần trưng mua để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất hợp pháp, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định tại Điều 33 của dự thảo.
Cũng theo đại biểu Giàng Thị Bình, Dự thảo đã có quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng – an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy đã bao hàm đầy đủ các nội dung, trong đó có cả mục đích phát triển kinh tế - xã hội, do vậy không nên có cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội" để tránh tình trạng lạm dụng gây thiệt thòi cho lợi ích của nhân dân. Đồng thời đại biểu đề nghị quy định việc bồi thường đất phải theo giá thị trường để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người đang sử dụng đất, không nên quy định chung chung là “theo quy định của pháp luật”.
Đặt vấn đề thu hồi đất là vấn đề hết sức quan trọng vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai vừa liên quan đến quyền sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị để việc thu hồi đất không bị lạm dụng thu hồi tràn lan như hiện nay, cần có quy định về nguyên tắc phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) “cử tri ở tất cả các điểm chúng tôi tiếp xúc trước kỳ họp đều tán thành cao quy định của Hiến pháp về đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước là chủ thể được toàn dân giao quyền sở hữu. Vì vậy trong trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hay phát triển kinh tế cũng vì một mục tiêu tối thượng là phục vụ lợi ích chung của toàn dân. Nhà nước được toàn dân giao quyền sở hữu thì cũng được toàn dân giao quyền thu hồi để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ lợi ích chung của toàn dân điều đó là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, cử tri băn khoăn nhiều vì lâu nay các chế định pháp luật và cách thức vận hành các chế định pháp luật của nhà nước trong hoạt động về thu hồi đất, thiếu nhất quán dẫn đến việc sử sự thiếu công bằng trong thu hồi đất ảnh hưởng niềm tin của nhân dân đối với nhà nước.
Cử tri kiến nghị với các dự án phát triển kinh tế nhà nước đứng ra thu hồi sau đó nhà nước tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp, phần chênh lệch giữa giá thu hồi đất và giá đấu thầu nhà nước điều tiết sử dụng vào chính sách tái thiết cơ sở hạ tầng. Trong đó có chi hỗ trợ chính sách cho người bị thu hồi đất, tái hỗ trợ khu tái định cư là hợp lý nhất, không để tình trạng như lâu nay có dự án nhà nước thu hồi nhưng cũng có dự án nhà nước lại để cho doanh nghiệp đứng ra thoả thuận với người dân. Như vậy, nguồn lợi sinh ra trong quá trình doanh nghiệp thoả thuận với người dân không lớn nhưng gây thắc mắc co kéo giữa doanh nghiệp với người có đất, giữa người có đất với người ở liền kề, giữa người dân với nhà nước. Nhà nước cũng vì thế mà chưa thực hiện được thoả đáng, trách nhiệm của chủ sở hữu khi được toàn dân giao quyền. Mặt khác nhà nước lại để thất thu một khoản ngân sách lớn từ giá chênh lệch giữa giá thu hồi đất với giá đấu thầu đất lại không kiểm soát được một cách chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế dẫn đến dự án treo hoặc bị phá vỡ quy hoạch phát triển. Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng chế định về phương thức thu hồi đất cụ thể, rõ ràng vào Hiến pháp để sau này khi sửa Luật đất đai và nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng phải nhất quán đến từng loại dự án, nhất quán áp dụng trên quy mô cả nước, không để tình trạng thiếu đồng bộ, áp dụng luật mỗi nơi một kiểu như thời gian vừa qua./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam