Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Nhất trí giữ nguyên tên nước
Thảo luận tại Hội trường sáng 3/6, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí giữ nguyên tên nước là là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), tên gọi trên ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tên gọi CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa Xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp.
Đồng ý quan điểm trên, Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) cho biết, ở Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến nhân dân thì chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Khi phỏng vấn họ, họ cũng chỉ muốn trở về tên nước ngày đầu độc lập, ngoài ra không có ý nguyện nào khác”, đại biểu Trần Văn Tư nói. Tên nước của chúng ta hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể, nếu đổi tên nước trong bối cảnh hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được, gây xáo trộn không cần thiết.
Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng nhất trí với quan điểm giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam vì tên gọi này đã gắn liền với đất nước ta 37 năm nay và rất quen thuộc với người dân.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những vấn đề thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại Hội trường. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ Điều 4 như trong dự thảo sửa đổi.
Các đại biểu: Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phạm Đức Châu (Quảng Trị); Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Ya Duck (Lâm Đồng)… đều đồng ý giữ Điều 4. Đại biểu Ya Duck cho rằng Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lòng dân.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỷ (đoàn Ninh Thuận) nhất trí giữ Điều 4 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước. Đảng còn là đội tiên phong tập hợp ý chí, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội. Vì vậy không thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bỏ HĐND thì ai là người đại diện cho nhân dân?
Một trong những nội dung cũng được các Đại biểu quan tâm cho ý kiến nhiều trong buổi thảo luận sáng nay là vấn đề chính quyền địa phương. Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nhấn mạnh chính quyền địa phương là vấn đề nhân dân rất quan tâm, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói: “Chúng ta đã 5 năm thí điểm không có HĐND quận, huyện, phường nhưng chưa có tổng kết, chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Các tỉnh thành thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như hiện nay, ở đâu có cơ quan hành chính thì có cơ quan giám sát”. Đại biểu băn khoăn, nếu bỏ HĐND thì ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính?
Nhiều đại biểu cho rằng, về cả mặt thực tế và lý luận hiện nay đều chưa thuyết phục để bỏ HĐND. Ai đó nói, bỏ HĐND là giảm bộ máy, giảm tham nhũng, là chưa có cơ sở? HĐND gần dân, đại diện cho nhân dân, hiểu dân, góp phần đem lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Dĩ nhiên, có một số nơi HĐND hoạt động hình thức, không hiệu quả, đó là do cách tổ chức hoạt động kém. “Đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Không thể vì một số nơi hoạt động kém hiệu quả mà xóa bỏ HĐND, làm mất đi chỗ dựa tin cậy của nhân dân” - đại biểu Huỳnh Nghĩa lý giải.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị cần tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện, phường, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để có quyết định đúng. Việc tổng kết cần phải hoàn tất trước kỳ họp thứ 6 để Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp có lựa chọn đúng.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cũng nhấn mạnh quan điểm, thiết chế HĐND và UBND có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND. Đại biểu nói “đồng ý quan điểm mô hình chính quyền địa phương giữ nguyên như hiện nay, những nơi đặc thù thì có thể theo luật định”./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam