Hồi sinh một vùng đất

(NTO) Năm 2005, khi triển khai Dự án Hồ chứa nước Trà Co, bà con xã vùng cao Phước Tân (Bác Ái) khấp khởi vui mừng bởi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sản xuất cho hàng trăm ha đất. Chấp hành chủ trương của tỉnh, 153 hộ dân ở thôn Ma Ty nằm trong lòng hồ di dời về Khu tái định cư.

Đến nơi ở mới, ngoài hạ tầng điện, đường, nhà cửa tươn tất, các hộ còn được hỗ trợ đất sản xuất. Để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, hằng năm UBND huyện Bác Ái đều ưu tiên cho địa phương thực hiện các mô hình trồng bắp lai, đậu xanh, thâm canh lúa nước. Tuy nhiên, do thiếu nước nên hoạt động sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn, các mô hình không duy trì và nhân rộng được, nhiều hộ bỏ ruộng đi phá rừng làm rẫy.

 
Nông dân thôn Đá Trắng, xã Phước Tân (Bác Ái) cải tạo đất điều kém hiệu quả sang trồng lúa.

Đầu năm 2012, ngành Nông nghiệp xây dựng tuyến mương nội đồng thuộc hệ thống thủy lợi hồ Trà Co. Công trình có 72 tuyến mương, với tổng chiều dài 36 km lan tỏa khắp các cánh đồng và bắt đầu từ đây, bà con yên tâm bám đất sản xuất. Ngày nước về, anh Ka-tơ Theo bàn với vợ cải tạo 1,3 ha đất rẫy thành ruộng trồng lúa. Được sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 30a của Chính phủ, anh thuê máy múc đất đắp bờ, san bằng đất, quyết tâm biến “sỏi đá thành cơm”.

Nhận thấy bà con địa phương đã dần “mặn mà” với đất, UBND xã Phước Tân đã cử cán bộ nông nghiệp về giúp đỡ bà con. Những ngày anh Theo cải tạo ruộng, cũng là những ngày cán bộ xã “xắn quần lội nước” bày cho anh đào đất thu dọn gốc cây dại, đắp bờ, theo nước. Có sự giúp đỡ của cán bộ, tạo thêm động lực giúp anh thực hiện ước mơ của mình. Sau gần một tháng lao động cật lực, khu rẫy khô cằn, gồ ghề ngày nào nay đã trở thành đám ruộng bằng phẳng. Để tạo thêm độ màu mỡ cho đất, vụ đầu tiên anh Theo mạnh dạn bán một cặp heo mua phân về bón cho lúa.

Lần đầu tận mắt chứng kiến anh Theo đầu tư trồng lúa trên quy mô lớn, người dân quanh vùng bàn tán vào ra. Người thì “ca tụng” anh, nhưng cũng không ít người nghi ngại, anh vẫn hằng ngày cần mẫn ra ruộng chăm sóc lúa đúng theo hướng dẫn của cán bộ. Sau hơn 4 tháng lao động, “đất không phụ lòng người”, khu rẫy khô cằn của anh giờ là cánh đồng lúa chín vàng. Vụ lúa đông- xuân vừa qua, anh Theo thu được 5 tấn lúa, sự kiện hiếm có đối với bà con vùng cao. Trong bữa cơm mừng được mùa lúa mới, anh Theo bưng chén rượu cần mời bà con, miệng cười tươi: “Từ nay không còn sợ đói cái bụng. Có gạo ăn rồi, mình không đi phá rừng trỉa bắp nữa”.

Học tập anh Theo, bà con địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích lúa nước. Về xã Phước Tân trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh lao động sản xuất rất nhộn nhịp. Dòng nước từ hồ Trà Co theo mương nội đồng chảy tới đâu, cây cối xanh tốt tới đó. Đồng chí Pi-Năng Vinh, Trưởng BQL thôn Đá Trắng vui mừng cho biết: Trong thôn có nhiều hộ phá cây điều lâu năm để trồng lúa. Đơn cử như hộ anh Chamaléa Thuấn cải tạo 3 sào, Pi-năng Giang 4 sào… Vụ lúa hè-thu năm nay, toàn thôn Ma Ty sản xuất 15 ha, tăng hơn vụ trước 3 ha.

Trước phong trào trồng lúa nước lan rộng, UBND xã Phước Tân đã thành lập tổ công tác về cơ sở khảo sát thực địa, hướng dẫn bà con sản xuất. Đồng chí Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã sẽ chuyển 80 ha đất rẫy ở thôn Ma Ty, Đá Trắng sang trồng lúa. Hiện xã đang đề nghị UBND huyện hỗ trợ cải tạo 30 ha đất để kịp đưa vào sản xuất trong vụ tới. Trước đây bà con sản xuất manh múm, mạnh ai nấy làm, nhưng bắt đầu vụ hè-thu năm nay xã chỉ đạo bà con xuống giống đồng loạt để tạo thuận lợi cho chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất.

Nước về vùng “đất khát” làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp ở xã Phước Tân. Ước mơ nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa của bà con vùng cao sẽ trở thành hiện thực.