Cần làm rõ những cá nhân, tổ chức chi sai nguyên tắc làm thất thoát ngân sách Nhà nước

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011.

Qua thảo luận ở tổ trước đó và tại hội trường, nhiều đại biểu nhất trí phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012); Bội chi NSNN là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương).

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm trong việc thu chi NSNN được các đại biểu đóng góp ý kiến. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chỉ ra rằng, một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, Chương trình mục tiêu quốc khá quan trọng của đất nước đã được Quốc hội ưu tiên phát triển nhằm đảm bảo an sinh xã hội, song việc chi NSNN năm 2011 cho các lĩnh vực này lại không đạt dự toán được giao. Đại biểu đề nghị cần nghiêm túc xét xem việc này.

 

Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng 25/5. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại chỉ rõ một số “Không” còn tồn tại trong quá trình thu chi ngân sách, đó là: không đúng thời gian (chậm giải ngân); không phân bổ được vốn giao từ đầu năm; không đủ thủ tục; không đúng cơ cấu chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt; không đúng đối tượng, mục tiêu; không xác thực tế dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, thay đổi nhiều lần... Những “không” này chính là miếng đất để lách, để có thể lợi dụng, sinh ra tiêu cực, tham nhũng. “Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ để khi sử dụng ngân sách cho năm 2013, và những năm tiếp theo được tốt hơn” – đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị làm rõ hiệu quả chi NSNN năm 2011, nhất là đối với những nội dung chi đầu tư, xây dựng cơ bản; đồng thời cần chỉ rõ những cá nhân, tổ chức chi sai nguyên tắc, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát NSNN.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/05/2013, có 2916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Dự tính, trong các năm 2014-2015, số lượng doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 doanh nghiệp và đến 31/12/2015 là 269 doanh nghiệp). Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Do vậy, việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo thẩm tra của luật này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, do vậy, chưa cần thiết phải sửa đổi riêng Điều 170 của Luật này.

Về nội dung sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của Giấy phép đầu tư. Ngược lại, có ý kiến cho rằng, tại Khoản 2 Điều 11 Luật đầu tư đã có quy định này, do vậy không nên quy định lại trong Luật sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh.

Cũng trong sáng nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi)./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam